image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nam Định đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp
Lượt xem: 2881

Những năm qua, Nam Định đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị sản xuất.

Tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào sản xuất:

Cơ giới hóa nông nghiệp là việc sử dụng máy, thiết bị, công nghệ thay thế lao động thủ công nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

anh tin bai

Nam Định đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp là việc áp dụng đồng bộ các loại máy, thiết bị, công nghệ phù hợp với nguồn nhân lực được đào tạo, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, tổ chức sản xuất và kết cấu hạ tầng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010; Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, hiện mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong nông nghiệp, nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao đã góp phần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và khuyến khích thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị sản xuất có hiệu quả.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn (làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...).

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Nam Định có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trực tiếp là trụ đỡ của nền kinh tế, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái.

Chính vì vậy, những năm qua nông nghiệp - nông dân - nông thôn luôn được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành đã thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định.

Giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 2,7%/năm; năm 2021 đạt 3,1%; giá trị sản phẩm thu được trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 172 triệu đồng/ha. Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng máy móc thiết bị thay thế lao động thủ công trong tất cả các khâu của sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh, thu nhập của người nông dân.

Hơn 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh Nam Định đã có những bước tiến đáng khích lệ. Số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, mức độ cơ giới hóa một số khâu đạt 100%.

Nhờ đó, đã nâng cao năng suất lao động và giá trị nông sản, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn ngành.

Áp dụng cơ giới hóa ở các lĩnh vực:

anh tin bai

Phun thuốc BVTV bằng máy tại huyện Nam Trực

Trong chăn nuôi có 7.500 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động; 1.420 hệ thống làm mát và vệ sinh chuồng nuôi; có 1.140 máy nghiền, trộn thức ăn cho gia súc; 400 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái cỏ).

Trong chế biến, bảo quản khâu làm khô, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 95 máy sấy lúa, trong đó chủ yếu là máy sấy tĩnh vỉ ngang (lò sấy); 1 tháp sấy, công suất trung bình từ 15-20 tấn thóc/mẻ.

Cá biệt có một số chủng loại máy có tốc độ tăng trưởng rất nhanh như máy chế biến thức ăn gia súc tăng trên 92,5%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,5 lần và máy phun thuốc trừ sâu tăng 3,5 lần.

Cả tỉnh có khoảng trên 2.137 tàu cá khai thác thủy sản, (trong đó: loại có chiều dài từ 6 đến dưới 12m là 876 chiếc, loại có chiều dài từ 12 đến dưới 15m là 367 chiếc, loại có chiều dài từ 15m trở lên là 526 chiếc...); trên 408 máy chế biến thức ăn thủy sản, 1.725 máy sục khí đảo nước... Trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp đạt gần 2,5 HP/ha.

Lĩnh vực trồng trọt: khâu làm đất 100%; khâu gieo cấy đạt 10 - 15%; khâu thu hoạch (bằng máy gặt đập liên hợp) đạt 95,89%; mức tổn thất sau thu hoạch đối với Lúa gạo: 7%; với Ngô 10%; Rau quả: 10%.

Lĩnh vực chăn nuôi: Đối với khâu chuồng trại: các cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại đều áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp nước, thức ăn tự động, tạo tiểu khí hậu và thu gom trứng, trong đó 100% hộ nuôi lợn quy mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động; trên có 40% số hộ chăn nuôi có hầm bioga. khâu chế biến thức ăn và vệ sinh chuồng trại đạt từ 40 - 50%.

Đối với khâu chế biến thức ăn chăn nuôi: với đặc trưng là chăn nuôi theo qui mô nông hộ, do đó việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn chăn nuôi chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình và trang trại, gia trại... Bình quân chung trên địa bàn tỉnh, cứ 100 con lợn được trang bị 0,2 máy chế biến thức ăn.

Đối với khâu vận chuyển: 100% số trang trại chăn nuôi lợn đều sử dụng xe cơ giới để vận chuyển thức ăn và sản phẩm chăn nuôi.

Lĩnh vực thủy sản: Khai thác thủy sản: Đối với khối tàu từ 50HP trở lên 100% được trang bị thiết bị khai thác (máy thu, thả lưới, thông tin liên lạc, thiết bị hành trình....).

Nuôi trồng thủy sản: hầu hết các hộ nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, 100% diện tích nuôi trồng được cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu (đào ao, hồ, nạo vét, cung cấp nước, sục khí, chế biến thức ăn...). Khâu sản xuất, chế biến thức ăn đạt 70%, sục khí ao đầm nuôi công nghiệp đạt 100% và cung cấp nước đạt 60%.

Bảo quản, chế biến thủy sản: 80% với các công ty chế biến thủy sản đầu tư công nghệ mới để chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mức độ cơ giới hóa khâu chế biến muối đạt khoảng 45 - 50%; cơ giới hóa trong sản xuất ngành nghề nông thôn đạt từ 40 -70%, tùy theo từng loại ngành nghề cụ thể.

Khó khăn, hạn chế:

Mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở một số khâu đạt cao nhưng chưa đồng bộ và toàn diện, mới tập trung chủ yếu một số khâu như: làm đất, thu hoạch, chăm sóc lúa (phun thuốc BVTV)... một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: khâu cấy lúa bằng máy, khâu sấy, vệ sinh chuồng trại... ;

Trang bị động lực ở một số khâu còn thấp chỉ thích hợp với quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình; Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ; giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước chưa phát triển tương ứng, vì vậy chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nhất là các máy làm đất theo yêu cầu thâm canh, máy cấy nhiều hàng, máy thu hoạch, vận chuyển nông sản...;

Bên cạnh đó, thiếu cơ sở dịch vụ máy cơ giới chuyên ngành, trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp; sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế; kỹ thuật vận hành sửa chữa máy nông nghiệp còn yếu; công tác đào tạo lành nghề cho công nhân và nông dân về vận hành, sửa chữa các loại máy cơ khí nông nghiệp chưa được quan tâm nhiều.

Ngoài ra, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích thúc đẩy phát triển cơ giới hóa; Chưa có các quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá mức độ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; các chỉ số đánh giá hoạt động cơ giới hóa nông nghiệp; Công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sử dụng, vận hành máy, thiết bị nông nghiệp; chế biến nông sản chưa được quan tâm nhiều, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao.

Giải pháp trọng tâm phát triển cơ giới hóa:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hình thành nhiều cánh đồng lớn hoặc các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn (chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cây dược liệu, cây công nghiệp; nhân rộng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà, trứng....) gắn với việc đầu tư máy móc thiết bị công suất lớn (> 24HP) đáp ứng các đơn đặt hàng nông sản với sản lượng lớn.

Thứ hai, hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ.

Thứ ba, phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, gắn nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; có cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương thành lập trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp tạo sự liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân cùng thực hiện các hoạt động phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, cung cấp vật tư, máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp; các dịch vụ sửa chữa, bảo hành, cơ giới hóa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về cơ giới hóa nông nghiệp; ứng dụng máy, thiết bị, công nghệ trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp; phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; xây dựng các mô hình trình diễn, giới thiệu quảng bá máy, thiết bị, công nghệ nông nghiệp; dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khi được nhà nước đặt hàng nhằm đẩy mạnh yêu cầu cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Thứ tư, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cơ giới hóa đồng bộ.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp gồm: nhân lực nghiên cứu, dịch vụ, tư vấn phát triển, quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các dự án cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; nhân lực trực tiếp sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy, thiết bị, công nghệ trong nông nghiệp; nhân lực phục vụ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng về năng lực quản lý và kỹ năng nghề thông qua các chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; khuyến nông và các chương trình, dự án phát triển của trung ương và địa phương.

Thư sáu, tăng cường công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp: người lao động sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động; chấp hành các quy định của nhà nước về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và các quy định khác liên quan; người sử dụng lao động phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động.

Kiến nghị, đề xuất

1. Chính phủ ban hành chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban hành nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thay thế Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của thủ thướng Chính phủ về chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp.

2. Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan: nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể về các tiêu chí xác định trình độ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; bộ tiêu chí đánh giá về năng lực cơ giới hóa; có chính sách khuyến khích hỗ trợ các cơ sở dịch vụ máy chuyên ngành, trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp, đào tạo kỹ thuật và an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng máy móc nông nghiệp; chương trình cơ khí trọng điểm; phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp cho các địa phương để hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

3. UBND tỉnh có các chương trình, đề án trọng điểm phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy công tác “dồn điền, đổi thửa”, phát triển hạ tầng nông thôn đồng bộ; cơ chế hỗ trợ riêng cho phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản với phương châm “người dân làm, nhà nước hỗ trợ, người dân hưởng lợi”.

4. Sở NN-PTNT lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp./.

                                                                                                         Lê Hồng Đức Chi cục - Phát triển nông thôn Nam Định 

  

Tin khác
Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang