image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cần phải có cơ chế đồng bộ và giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế Nông nghiệp tuần hoàn
Lượt xem: 1180

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo quy trình khép kín, từ đầu vào đến đầu ra. Áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm chuyển hóa phế, phụ phẩm công đoạn này thành nguyên liệu đầu vào cho công đoạn khác của quá trình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông, lâm, thủy sản, giúp tiết kiệm chi phí, giảm chất thải tác động tới môi trường.

Nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường. Mô hình này dựa trên nguyên tắc tuần hoàn các nguồn tài nguyên trong hệ thống nông nghiệp, từ đất, nước, phân bón, đến cây trồng và vật nuôi. Bằng cách này, mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp tăng năng suất, chất lượng và an toàn của các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân.

anh tin bai

Nông nghiệp tuần hoàn nhằm tối ưu nguồn lực và tài nguyên

Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Thực tế hiện nay, đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đó là các mô hình: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông – lâm kết hợp; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi. Một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả như: mô hình vườn – ao – chuồng; mô hình lúa – tôm, lúa – cá. Mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình ngô – gia súc, gia cầm – cá; mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước,…

Một số mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang triển khai có hiệu quả

- Mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ: Sử dụng công nghệ vi sinh để xử lý gốc rạ ngay tại ruộng, giảm thời gian chuyển vụ, giảm lượng phân bón hóa học, tăng năng suất và chất lượng lúa, giảm ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ.

- Mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản: Sử dụng các chất thải từ chăn nuôi và thủy sản làm phân bón cho cây trồng, và ngược lại, sử dụng các phụ phẩm từ cây trồng làm thức ăn cho gia súc và thủy sản. Mô hình này giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường.

- Mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm chăn nuôi, trồng trọt: Sử dụng các công nghệ sinh học để chuyển hóa các chất thải và phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt thành phân bón hữu cơ vi sinh, giúp cải thiện độ phì nhiêu và dinh dưỡng đất, hạn chế bệnh vùng rễ cây trồng, giảm lượng chất thải phát thải ra môi trường.

anh tin bai

 Thực tế hiện nay, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần giúp giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây.

anh tin bai

Khó khăn trong triển khai kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Dù mang lại những lợi ích không nhỏ; tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn đang còn ở mức khiêm tốn; các mô hình tái chế và tận thu phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển. Nguyên nhân do Luật pháp, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay, chúng ta còn chưa phát huy hết các tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp. Trong khi đó, phụ phẩm nông nghiệp cần được coi là nguồn tài nguyên tái tạo, là đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Thực tế, còn một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp đang chưa được xử lý, thải ra môi trường vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường (phế phụ phẩm từ lúa có thể sản xuất ra phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ; Phụ phẩm từ tôm sản xuất ra được chiết suất, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dầu tôm, phân bón, năng lượng tái tạo…)

Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế khi hoạt động nghiên cứu và phát triển công tác này còn hạn chế trong các doanh nghiệp; sự gắn kết giữa các tổ chức với các trường đại học và các doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông hộ còn hạn chế trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số...

Những hạn chế trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Trong quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học, nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện tích rộng. Với những vùng thâm canh trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, năng suất sẽ giảm rõ rệt và gặp nhiều khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh. Ngoài ra, phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật, nên nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ. Hơn nữa do chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận là lúa hữu cơ, vì vậy giá thành sản phẩm vẫn chỉ tính theo giá thị trường như lúa truyền thống cũng là điều cần phải quan tâm trong phát triển mô hình hữu cơ.

Thêm vào đó, nhiều ngành nghề chưa được đầu tư theo chiều sâu như: chăn nuôi gia súc, gia cầm còn manh mún, nhiều trang trại nhỏ lẻ, thiếu quy trình sản xuất sản phẩm sạch dẫn đến quá trình thu gom, xử lý và tận dụng chất thải trong chăn nuôi thiếu đồng bộ, công nghệ thu gom và xử lý chất thải chưa được đầu tư chuyên sâu, thiếu giải pháp về mặt chính sách; công nghệ xử lý chất thải trong giết mổ, chế biến nông sản, thủy hải sản… chưa được quan tâm đúng mức, làm lãng phí nguồn tài nguyên từ chất thải, gây ô nhiễm môi trường sống.

Những tín hiệu tích cực trong phát triển nông nghiệp xanh

Trên cơ sở phân định thế mạnh từng vùng, công tác phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã được triển khai trong những năm qua; tiến bộ khoa học- kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, được áp dụng nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất. Từ đó nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, nâng cao thu nhập cho nhà nông. Đồng thời, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững như: Áp dụng quy trình sản xuất lúa “1 phải - 5 giảm”, cơ giới hóa trong khâu làm đất đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán canh tác của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm phát thải khí nhà kính; quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo mô hình VietGAP, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng nhiều công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi… đã được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trên đàn gia súc, gia cầm đã giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, tăng giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm như chăn nuôi theo mô hình VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học, acid hữu cơ để bổ sung vào thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi giúp làm giảm mùi hôi trong chăn nuôi, tăng chất lượng thịt. Từ đó, thị trường đón nhận thành phẩm thịt ở mức giá cao hơn; phân gia súc, gia cầm được chuyển hóa thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường.

Để thúc đẩy phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, cần có những giải pháp:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ nông dân và cộng đồng tham gia vào mô hình này. Cụ thể, cần ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, quy cách, chứng nhận, khuyến khích, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, công nghệ thông tin, công nghệ xanh… phục vụ cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời khuyến khích sự hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên giữa các bên liên quan.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về ý nghĩa, lợi ích và cách thức thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Phổ biến rộng rãi các mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công, tạo sự hứng thú, động viên và hướng dẫn cụ thể cho các đối tượng tham gia vào mô hình này, đồng thời tôn vinh, khen thưởng và truyền thông các tấm gương tiêu biểu.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào mô hình này. Xây dựng và duy trì uy tín, chất lượng và an toàn của các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu và sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cần phải có cơ chế đồng bộ trong phát triển kinh tế tuần hoàn: Lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp khi so sánh, thường có tỷ lệ thấp hơn so với các ngành sản xuất khác. Hàng loạt các rào cản này cần có sự quan tâm của Nhà nước bằng một chính sách đồng bộ và đủ lớn, đưa kinh tế tuần hoàn phát triển nhằm nâng cao năng suất và thu nhập của nhà nông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa lợi thế trong sản xuất nông nghiệp.

                                         Mai Hồng Diên – Phòng Kế hoạch kỹ thuật   

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang