image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đồng hành cùng nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững
Lượt xem: 1332
Nỗ lực khắc phục những khó khăn, thời gian qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Trực Ninh đã đồng hành cùng nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Trung tâm đã chủ động kết nối thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân; làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại trên cây trồng; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. 
anh tin bai

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trực Ninh điều tra tình hình sâu bệnh hại lúa xuân tại xã Trực Nội.

Để giúp nông dân cập nhật các kiến thức mới, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT), Hội Làm vườn tỉnh mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông cơ sở, người sản xuất về kiến thức, kỹ năng ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và phần mềm bán hàng trực tuyến; sản xuất rau theo hướng hữu cơ; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với cơ giới hóa đồng bộ; nâng cao năng lực sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm và marketing... Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho 100 hộ nuôi trồng thủy sản tại các xã Trực Đạo, Trực Nội; kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho cán bộ, cộng tác viên khuyến nông cấp xã và các hộ nông dân tiêu biểu; kỹ thuật sử dụng vắc-xin, thuốc thú y trong phòng, trị bệnh gia súc, gia cầm cho trưởng thú y các xã, thị trấn và một số chủ cơ sở buôn bán vắc-xin, thuốc thú y, các hộ chăn nuôi... Qua đó khích lệ nông dân mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm… góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Để tăng sức thuyết phục, cùng với tập huấn kiến thức, Trung tâm đã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức các mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ KHKT: phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái tại xã Trực Hưng; gieo mạ khay, cấy bằng máy tại xã Trực Đạo; mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết các giống lúa Bắc Thơm 7, ST 25 tại các xã Trung Đông, Trực Đạo, Trực Thanh, Trực Mỹ, Trực Khang… tạo tiền đề nhân ra diện rộng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Để bảo vệ an toàn cho sản xuất, trong công tác quản lý dịch hại cây trồng, Trung tâm DVNN Trực Ninh phân công cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác điều tra, giám sát; dự tính, dự báo chính xác thời gian phát sinh, phạm vi phân bố và mức độ gây hại của sâu bệnh, ban hành kịp thời hướng dẫn, thông báo về tình hình sâu bệnh hại và các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại trên phạm vi toàn huyện. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN và PTNT) giám sát chặt chẽ rầy lưng trắng, đối tượng môi giới truyền bệnh lùn sọc đen nguy hại trên lúa trước, trong và sau khi bước vào các vụ sản xuất; qua đó đã dần “khống chế” bệnh chỉ phát sinh rải rác, giảm mức độ và tỷ lệ gây hại xuống rất thấp. Ngoài ra, các đối tượng dịch hại chính như: chuột, cỏ dại, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt... được quản lý tốt, mức độ gây hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể tới năng suất và chất lượng cây trồng của huyện.

Trước tình hình chăn nuôi tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, cán bộ Trung tâm DVNN Trực Ninh tăng cường bám sát cơ sở nắm chắc tình hình chăn nuôi, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi; xác minh, báo cáo kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả toàn huyện tiêm vắc-xin dịch tả lợn cho gần 24 nghìn con lợn; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho 3.909 con lợn nái, đực giống và 1.948 con trâu, bò, dê; tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho gần 800 con trâu, bò và vắc-xin dại cho trên 3.500 con chó. Ngoài ra, Trung tâm đã cấp 350 lít thuốc sát trùng Iodine cho 21 xã, thị trấn để thực hiện đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh động vật trên địa bàn toàn huyện… Hàng tháng, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành lấy mẫu trên đàn gia súc, gia cầm, mẫu phủ tạng lợn, mẫu thịt, mẫu cám để giám sát dịch bệnh trên địa bàn; góp phần giúp UBND huyện tăng cường quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đạt hiệu quả cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Giám đốc Trung tâm DVNN Trực Ninh cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp khảo nghiệm, trình diễn một số loại giống lúa, thuốc BVTV, thuốc thú y giúp nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về khuyến nông, trồng trọt; BVTV; chăn nuôi thú y tốt hơn. Phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, bám sát, theo dõi chặt chẽ và dự tính dự báo chính xác tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh trên cây trồng để đưa ra những giải pháp, biện pháp, hướng dẫn quản lý dịch hại kịp thời, hiệu quả, bảo vệ an toàn sản xuất. Tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi, nhất là việc tái đàn lợn; đồng thời hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất an toàn sinh học gắn với xử lý tốt chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi như: tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm; thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc nhập động vật, sản phẩm động vật; tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, không để dịch lây lan trên diện rộng./.

Trích nguồn:  Báo Nam Định

Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang