image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
KHUYẾN NÔNG NAM ĐỊNH - 30 NĂM ĐỒNG HÀNH, SÁT CÁNH CÙNG NÔNG DÂN
Lượt xem: 1525
Với vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân và thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân. Trong chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, tập thể lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Nam Định luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thách thức để triển khai có hiệu quả các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Khuyến nông Nam Định luôn đồng hành, gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, là địa chỉ tin cậy của nông dân trong tỉnh.

Giai đoạn 1994 – 2004, ngay từ thời kỳ đầu mới thành lập, Trung tâm đã thực hiện tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai tốt, năng suất cao, hướng dẫn thay đổi tập quán sản xuất để thực hiện mục tiêu ổn định nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh.

Nổi bật nhất trong giai đoạn này, Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1; áp dụng vào sản xuất đại trà các giống lúa lai, các giống lúa thuần nhập nội từ Trung Quốc có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, thích ứng rộng. Đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh mới, đặc biệt chuyển phương thức mạ dược sang mạ nền là chủ yếu đã làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, trà lúa Xuân muộn tăng lên 99% vào năm 2000 trong khi đó trước năm 1993 chỉ là 10-15%. Vì vậy năng suất lúa đã tăng gấp 2 lần so với năm 1993 đạt 70 tạ/ha, và bước đầu đã tăng thêm vụ Đông trên chân 2 lúa với các loại cây trồng như: Bí xanh, Khoai tây, Đậu tương, các giống ngô lai....

Hoạt động khuyến nông đã tập trung chuyển giao các tiến bộ về giống, thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại hàng hóa. Việc chuyển giao thành công các giống gà màu nhập ngoại, giống ngan Pháp, lợn ngoại, bò Laisind, … có năng suất chất lượng cao phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đã làm đa dạng sản phẩm cho ngành chăn nuôi của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giầu từ chăn nuôi và mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Giai đoạn 2004 – 2014, hoạt động Khuyến nông Nam Định tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất sử dụng, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ kết hợp với ứng dụng kỹ thuật thâm canh tiến bộ. Những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha đã xuất hiện ở giai đoạn này.

Các mô hình máy làm đất đa năng, mô hình máy gặt đập liên hợp, đã được ứng dụng triển khai trong sản xuất, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng làm đất, giảm tổn thất sau thu hoạch lúa.

Giai đoạn 2014 đến nay, các chương trình khuyến nông được triển khai theo định hướng Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Trong lĩnh vực trồng trọt, đây là giai đoạn Nam Định đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là các khâu trong sản xuất lúa, từ làm đất, gieo cấy, thu hoạch, đến bảo quản, chế biến. Đến nay, tỉnh đã chuyển trọng tâm sản xuất từ số lượng sang chất lượng, tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt trên 72%; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7 - 10%; sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 900.000 tấn/năm.

Sản xuất rau màu được triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị. Nhiều mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, rau sạch ứng dụng công nghệ của Nhật Bản được đưa vào sản xuất và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh và đang mở rộng ra sản xuất đại trà giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng hiệu quả kinh tế; tăng lợi nhuận từ 2-4 lần so trồng lúa.

Trong chăn nuôi, các địa phương áp dụng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo hướng VietGAHP, mô hình an toàn sinh học, mô hình liên kết theo hướng sản xuất hàng hoá tại các trang trại, gia trại. Xóa bỏ dần các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, chuyển sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn; việc xử lý chất thải trong chăn nuôi được chú trọng khi các mô hình công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, công nghệ Biogas được áp dụng rộng rãi, đã góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, tận dụng được nguồn nhiệt năng trong sản xuất, sinh hoạt của các hộ chăn nuôi.

Trên lĩnh vực thủy sản, đây là giai đoạn Nam Định đẩy mạnh các đối tượng con nuôi trong môi trường biển, chú trọng phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao có khả năng xuất khẩu nhằm tăng sản lượng hàng hoá thuỷ sản. Hệ thống khuyến nông tập trung xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản mặn lợ như: Mô hình nuôi cá Song, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi sò huyết, nuôi cá Bống bớp. Các mô hình này được áp dụng các công nghệ nuôi sạch, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, sử dụng các chế phẩm vi sinh. Kết quả các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao từ 200-300 triệu đồng/ha trở lên. Một số mô hình đạt trên 500 triệu đồng/ha, như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình nuôi cá bống bớp. Ngoài ra hệ thống khuyến nông cũng xây dựng các mô hình với đối tượng nước ngọt phục vụ tiêu dùng nội địa như: chạch đồng, cá lăng, cá chép, cá trắm đen, cá chuối, cá diêu hồng... Các mô hình này đều thành công và cho hiệu quả kinh tế cao từ 150-350 triệu đồng/ha.

Hoạt động khuyến nông trong công tác chỉ đạo sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, góp phần bảo vệ sản xuất, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Với gần 400 khuyến nông viên luôn bám sát cơ sở, hoạt động tại tất cả các xã, thị trấn, tích cực tham mưu cho các địa phương trong công tác chỉ đạo sản xuất, như: lịch thời vụ, dự tính, dự báo sâu bệnh, dịch hại, xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tư vấn cho các HTX, chủ trang trại, gia trại, bà con nông dân trong xây dựng phương án sản xuất. Viết các tin bài tuyên truyền trên các hệ thống thông tin tại địa phương, tham gia ban chỉ đạo nông nghiệp các xã, thị trấn; thăm đồng và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật; tham gia phòng chống, ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, như: phòng trừ rầy lưng trắng, phòng chống virut lây bệnh lùn sọc đen trên lúa; tiêu hủy gia súc, gia cầm như: dịch tả lợn Châu phi, dịch cúm A H5N1. Khuyến nông luôn đồng hành mọi lúc, mọi nơi, ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông.

Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Những năm qua, nhiều mô hình khuyến nông đã mang lại giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống người dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Trong chặng đường 30 năm hoạt động, Khuyến nông Nam Định đã triển khai được khoảng hơn 9.000 mô hình khuyến nông; trong đó, có hơn 300 mô hình, dự án, chương trình khuyến nông có đầu tư của Trung ương và của tỉnh.

anh tin bai

Những năm qua, nhiều mô hình khuyến nông đã mang lại giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống người dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở các địa phương

Các mô hình khuyến nông tập trung vào nhóm đối tượng là cây lương thực và rau, hoa, cây ăn quả; chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tập quán sản xuất của nông dân ở từng địa phương. Ngành Nông nghiệp hỗ trợ các địa phương đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch; tạo sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ nông dân, giữa các khâu sản xuất dịch vụ để các mô hình phát huy hiệu quả…

Từ kết quả thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian qua đã truyền tải một lượng thông tin đáng kể với nhiều hình thức như: tờ rơi, áp phích, bản tin, chuyên mục truyền hình, trang Web khuyến nông. Thông qua các kênh thông tin, tuyên truyền đã góp phần cung cấp nhanh thông tin, nhiều địa chỉ tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả.

 Trong công tác đào tạo, tập huấn: Hiện nay, các nhóm nòng cốt khuyến nông cấp tỉnh, huyện đã có năng lực để tập huấn và áp dụng các nội dung đã học vào thực tiễn công tác. Phương pháp tập huấn lấy người học làm trung tâm, phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân, phương pháp tập huấn tại hiện trường, giám sát, đánh giá công tác khuyến nông, makettinh và thị trường nông nghiệp; kỹ năng viết tin và báo cáo; phương pháp tổ chức hoạt động khuyến nông tại cơ sở. Lực lượng khuyến nông tỉnh, huyện, khuyến nông viên qua đào tạo đã góp phần rất lớn trong nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông.

Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông Nam Định đã góp phần cùng toàn ngành nông nghiệp đạt được một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận. Thông qua hoạt động khuyến nông đã chuyển giao ứng dụng rộng rãi nhiều mô hình về sản xuất lúa; nhân rộng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất; nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi áp dụng kỹ thuật mới đã được đưa vào thử nghiệm đầu tiên trên địa bàn tỉnh được người dân đánh giá cao.

Đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Nam Định. Đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 3,6%/năm; giá trị gia tăng hàng năm của các mặt hàng nông sản chủ lực đạt từ 10 - 15%. Dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99,9%. Toàn tỉnh có trên 85% HTX hoạt động có hiệu quả theo luật HTX. Trong xây dựng NTM, Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước về đích NTM, sớm hơn 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; toàn tỉnh hiện có 92,6% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có 330 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

30 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tỉnh ủy, HĐDN, UBND, đặc biệt sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Sở NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Nam Định đã vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày một phát triển vững mạnh. 30 năm qua, hệ thống Khuyến nông cùng toàn ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo, triển khai toàn diện và có hiệu quả các hoạt động của công tác khuyến nông. Những mục tiêu từ ngày đầu thành lập vẫn luôn là kim chỉ nam cho chặng đường phát triển của hệ thống khuyến nông. Tập thể cán bộ viên chức, người lao động Trung tâm Khuyến nông Nam Định luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo vượt khó vươn lên. Công tác thi đua khen thưởng, xây dựng điển hình tiên tiến, chăm lo đời sống được chú trọng triển khai để người lao động yên tâm làm việc. Với những thành tích đạt được, Khuyến nông Nam Định vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh: Huân chương lao động hạng 3, Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, của UBND tỉnh, …

Những cống hiến đóng góp của đội ngũ những người làm khuyến nông qua các thế hệ được nông dân, doanh nghiệp, HTX đánh giá ghi nhận, với những đón nhận và những tình cảm tốt đẹp qua những mùa vụ bội thu, những mô hình hiệu quả, những thay đổi về tư duy, thói quen tập quán mới và sự tin tưởng, đồng hành cùng nhau.

anh tin bai

Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Nam Định

Trước bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới. Ngành nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng đang đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ cùng với những khó khăn, thách thức đan xen. Việc đổi mới, phát huy hơn nữa vai trò của công tác khuyến nông là yêu cầu tất yếu được đặt ra.

30 năm, hệ thống Khuyến nông Nam Định đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ở mỗi giai đoạn phát triển ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều in đậm dấu ấn của những người làm công tác khuyến nông. Âm thầm đồng hành, sát cánh cùng nông dân, làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất bằng đam mê và lòng yêu nghề; bằng niềm trăn trở, làm điểm tựa cho khu vực nông nghiệp phát triển. Với sự nỗ lực không ngừng, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, Khuyến nông Nam Định hứa hẹn sẽ tiếp tục xứng đáng là lá cờ đầu trong công tác khuyến nông – nơi chuyển giao tiến bộ KHKT trong nông nghiệp, là nhịp cầu kết nối giữa nông dân với chính quyền; đưa khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển theo đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ trong giai đoạn mới là phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái và xây dựng NTM là yêu cầu cấp thiết trong sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước và của tỉnh nhằm tạo ra sự cân bằng với thiên nhiên, cho phép người dân tận hưởng chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Đây là cơ sở cho việc phát triển nông thôn trở thành vùng quê đáng sống; gắn kết, kết nối giữa đô thị và nông thôn gần nhau hơn./.

                                               TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG NAM ĐỊNH  


Tin khác
Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang