image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành NN&PTNT
Lượt xem: 396

Ngày 03/01/2023 Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành NN&PTNT. Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành Nông nghiệp thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen... Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản (NLTS); chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết “Tam nông” và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Vì vậy, toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

anh tin bai

Toàn cảnh Hội nghị tại Bộ Nông nghiệp & PRINT

Cụ thể, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế (trong đó: Nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng).

Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.

Ngành Nông nghiệp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đổi mới; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững Ngành. Qua đó, thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới. Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; trong đó, tốc độ tăng GTSX lĩnh vực Trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%; Chăn nuôi là 4,0 - 5,0%; Thuỷ sản là 3,7 - 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tốc độ tăng GTSX của Lâm nghiệp là 5,0-5,5%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%. Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm NLTS; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng...

Tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng - Uỷ viên ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì. Về phía Sở Nông nghiệp & PTNT có đ/c Nguyễn Doãn Lâm - Giám đốc Sở, các đ/c Phó giám đốc Sở và đại điện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công Thương, Quản lý thị trường tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và đại điện 03 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định có thành tích xuất sắc.

anh tin bai

Toàn cảnh dự Hội nghị trực tuyến tại Hội trường UBND tỉnh Nam Định

Phát biểu tham luận với nội dung “Nam Định tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp” đồng chí PCT Thường trực Trần Anh Dũng cho biết: Báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đánh giá đầy đủ, toàn diện các kết quả trên lĩnh vực quản lý của Ngành. Thể hiện rõ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trong năm 2023 có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, sâu sát và cụ thể; tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Với tỉnh Nam Định, ngay sau khi BCH TW Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành các Kế hoạch để tổ chức chỉ đạo thực hiện. Các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh đều nhận thức sâu sắc, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Năm 2023, tình hình Kinh tế - xã hội của Tỉnh có bước phát triển tốt so với cùng kỳ và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Cụ thể như sau:

- Kinh tế tỉnh Nam Định tăng trưởng 10,19% so với năm trước, là năm kinh tế tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 trước 02 năm (đạt 10.452 tỷ đồng; tăng 35% so với năm 2022). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm và thủy sản và chiếm 17,83%.

- Về xây dựng Nông thôn mới: Tỉnh Nam Định đã tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân chung sức xây dựng NTM. Coi trọng nguồn lực và sự tham gia thực hiện của người dân. Phương châm là xây dựng NTM do người dân và vì người dân.

Với mục tiêu đó, Chương trình xây dựng NTM của Nam Định đạt kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn đổi mới, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là hệ thống giao thông và cơ sở vật chất trường học các cấp. Cảnh quan môi trường nông thôn được quan tâm giữ gìn vệ sinh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Kết quả xây dựng NTM đến hết năm 2023, có 191/204 (đạt 93,6%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 25/188 (đạt 13,3%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 01 huyện cơ bản đủ điều kiện trình Trung ương xem xét công nhận Huyện NTM nâng cao vào đầu năm 2024. Về Chương trình OCOP, đến nay đã có 431 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong đó có 55 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đủ điều kiện trình Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

               Bên cạnh một số kết quả chủ yếu đạt được nêu trên, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nam Định vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng;  Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tuy đã được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, chế biến xuất khẩu. Nguyên nhân (1) Do biến động của thị trường làm cho sản xuất và đời sống của người dân nông thôn gặp không ít khó khăn. Giá vật tư, nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tăng cao; giá nông sản không ổn định nên ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. (2) Một số quy định của pháp luật như Luật Đất đai và một số chính sách còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn triển khai, nhất là việc tập trung tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. (3) Cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 19, Quyết định 150 còn thiếu, chưa đồng bộ.

anh tin bai

Đồng chí PCT Thường trực Trần Anh Dũng tham luận tại Hội nghị

Từ thực tiễn yêu cầu sản xuất và của bà con nông dân, để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 19 và thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, đồng chí PCT Thường trực Trần Anh Dũng đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương: (1) Nghiên cứu, xem xét báo cáo Quốc hội sớm ban hành Luật sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản liên quan để thuận tiện trong việc tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. (2) Tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực để các địa phương thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết 19 để tập trung thực hiện tốt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững” tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững. (3) Sớm ban hành cơ chế, chính sách, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là đối với các tỉnh thực hiện nhiệm vụ duy trì và bảo vệ quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của ngành nông nghiệp trong năm 2023 vừa qua đã vượt khó, xoay chuyển tình thế từ chỗ bị động bất ngờ sang chủ động, kịp thời, sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vượt qua thách thức và gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.

anh tin bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bước vào năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành để tìm hiểu, nắm bắt, mở rộng thị trường để sản xuất cái gì nhu cầu thị trường nhập khẩu cần để tổ chức sản xuất trong nước, tiến tới gia tăng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt trên 4%; tập trung gỡ thẻ vàng của EC trong quý II năm 2024, ngăn chặn các tàu cá nước ngoài vi phạm; tăng cường công tác trồng, nâng cao chất lượng rừng, phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN& PTNT cùng các địa phương ven biển tập trung hoàn thiện thể chế và quy hoạch để phát huy tối đa lợi thế khác biệt; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kết quả vừa qua của ngành ghi nhận những nỗ lực đa dạng hoá thị trường, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Sự lãnh đạo, điều hành sát sao, xuyên suốt của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đã chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến sâu rộng thương mại nông sản cả trong, ngoài nước. Và tinh thần năng động, vượt khó của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, sự chủ động thay đổi, thích ứng linh hoạt với xu thế mới của hợp tác xã, người sản xuất, bà con nông dân trên khắp cả nước.

Mai Hồng Diên - Phòng Kế hoạch kỹ thuật 

    

Tin khác
Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang