Sáng 03/02/2023 Trung tâm Khuyến nông Nam Định tổ chức Hội nghị “Tập huấn Biện pháp kỹ thuật quản lý lúa cỏ và chăm sóc lúa Xuân” với sự tham gia của 30 học viên là nông dân tại HTX Nghĩa Thái, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cùng Hội đồng quản trị HTX. Thay mặt lãnh đạo địa phương, đồng chí Phạm Văn Sử - Phó Chủ tịch, Trưởng Ban nông nghiệp xã về dự và chỉ đạo.
Vụ Xuân là vụ sản
xuất có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng.
Tuy nhiên vụ Xuân cũng tiềm ẩn các đối tượng sâu, bệnh, dịch hại nguy hiểm có
nguy cơ bùng phát trên cây trồng nhất là vấn nạn lúa cỏ (lúa ma) trên lúa. Trong
những năm gần đây, lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma, lúa dại) đã xuất hiện ở một số
địa phương trong tỉnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng hạt
gạo và là nguồn lây lan mạnh ra các vụ tiếp theo. Vụ Xuân 2022, diện tích nhiễm
lúa cỏ toàn tỉnh là 303,2 ha; trong đó nhiễm nặng 29,5 ha, mất trắng 4,5 ha, gấp
2 lần so với vụ trước. Đây là nguồn tích lũy lan truyền và có nguy cơ bùng phát
trên diện rộng trong vụ sau.
Hình ảnh lúa cỏ tại xã
Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
Qua buổi Tập huấn, học viên nhận biết được đặc
điểm, tác hại và nguyên nhân lúa cỏ lây lan trên diện rộng. Từ đó, đưa ra được
những biện pháp kỹ thuật quản lý lúa cỏ.
Hình ảnh buổi
tập huấn tại HTX Nghĩa Thái
Biện pháp canh tác:
Sử dụng giống lúa
đạt tiêu chuẩn về chất lượng, không để giống trên những ruộng bị nhiễm lúa cỏ từ
vụ trước gieo cấy cho vụ sau.
Hạn
chế tối đa việc gieo sạ, khuyến khích nông dân thay đổi phương thức gieo sạ
sang cấy (cấy tay hoặc áp dụng mạ khay - máy cấy). Vệ sinh đồng ruộng và kênh
mương sạch sẽ trước khi vào vụ gieo cấy.
Luân canh cây trồng
nơi có điều kiện theo phương thức lúa - màu (đặc biệt là cây họ đậu như đậu
nành, đậu xanh, lạc...) để cây lúa cỏ phát triển rồi tiêu diệt bằng cơ học.
Làm đất kỹ và
trang ruộng bằng phẳng nhằm vùi sâu hạt lúa cỏ vào đất, làm giảm khả năng mọc
và phát triển của lúa cỏ. Đặt lưới tại đầu dòng nước vào ruộng nhằm ngăn chặn hạt
lúa cỏ xâm nhiễm.
Biện pháp thủ
công:
Thường xuyên nhổ bỏ,
khử lẫn bông lúa cỏ đem tiêu hủy là công việc rất hiệu quả để tiêu diệt nguồn
lây lan. Tiến hành nhổ bỏ, khử lẫn lúa cỏ vào các thời điểm: Sau gieo cấy 07-20
ngày (dễ phân biệt lúa cỏ với lúa trồng); Khi lúa làm đòng- trỗ bông; Khi lúa
chắc xanh tiếp tục khử lẫn lúa cỏ, tránh hạt rụng xuống đất lây nhiễm cho vụ
sau.
Biện pháp sử dụng
thuốc hóa học:
Đối với những diện
tích nhiễm nặng lúa cỏ: Trước khi gieo cấy khoảng 30 ngày, cho nước vào ruộng,
làm đất nông rồi tháo cạn nước tạo điều kiện nhử cho lúa cỏ và các loại cỏ dại
khác mọc lên từ 5-7 ngày. Sau đó diệt trừ bằng thuốc trừ cỏ không chọn lọc có hoạt
chất Atrazine (Aviator combi 800WP: 100g/bình 16l nước,…); hoạt chất
Glufosinate ammonium (Tarang 280 SL: 120ml thuốc/bình 16l nước, Lưỡi cày 200SI:
75 ml thuốc/bình 16l nước...).
Lưu ý: Thời gian
phun thuốc đến khi gieo cấy lúa phải đảm bảo được ít nhất 20 ngày.
Những biện pháp
trên cần áp dụng tổng hợp và thực hiện liên tục trong 1 số vụ sản xuất mới đảm
bảo hiệu quả phòng trừ cao (trong đó ưu tiên sử dụng biện pháp canh tác và thủ
công).
Nếu tổ chức tốt sản xuất vụ Xuân sẽ góp phần đảm
bảo an ninh lương thực, đồng thời tạo cơ sở để mở rộng sản xuất hàng hóa chất
lượng cao và góp phần thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn
2021-2025./.
Nguyễn
Hoàng Linh- Trung tâm Khuyến nông Nam Định