image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đến năm 2030
Lượt xem: 2081

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, ngành nông nghiệp đang thực hiện việc chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho nông sản thông qua ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát triển nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số trong nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội vào sản phẩm, do đó lao động nông nghiệp cần phải được trang bị các kiến thức mới về kinh doanh nhất là các chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã và doanh nghiệp...

anh tin bai

              Ngành nông nghiệp đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao và sự giao thương nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do vậy, lao động nông nghiệp cần phải được trang bị các kiến thức mới về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, trình độ quản trị kinh doanh nhất là các chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã...

            Nam Định nằm ở cực Nam châu thổ sông Hồng, diện tích tự nhiên là 1652,14 km2, bao gồm 09 huyện và 01 thành phố loại 2 trực thuộc Tỉnh. Dân số trung bình năm 2021 có 1.836.268 người (trong đó, dân số nông thôn chiếm 79,76%). Tổng số lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 356.252 người (chiếm 34,1% trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm). Lực lượng lao động dồi dào về số lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

            Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành đặc biệt quan tâm, chú trọng, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

            “Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo đến năm 2021 là 24.014 người. Trong đó, giai đoạn 2010-2015: 12.152 người; giai đoạn 2016-2020: 10.930 người và năm 2021: 932 người”. Nhóm nghề nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo chủ yếu: chăn nuôi gà, vịt ngan, ngỗng; chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; trồng cây lương thực thực phẩm; nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; nghề nuôi tôm, cua biển, ngao; trồng nấm; chăm sóc, uốn, cắt tỉa cây cảnh; trồng rau... Tỷ lệ lao động vận dụng tốt các kiến thức được đào tạo để tạo việc làm đạt trên 80%”.

            Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: tỷ lệ chưa đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn cao; chưa có sự liên kết chặt chẽ, sâu sắc giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty có nhu cầu sử dụng lao động… Cùng với đó là nhận thức, quan niệm của người dân một số địa phương chưa thực sự hiểu đúng về công tác đào tạo nghề; cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý; tỷ lệ LĐNT tham gia học nghề đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đào tạo nghề chưa thực sự gắn với việc xây dựng các vùng chuyên canh, chuyên nuôi tập trung, làng nghề, thương hiệu, hình thành các cụm sơ chế sản phẩm nông nghiệp của địa phương; chưa có nhiều mô hình đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình đào tạo kiến thức mới về quản trị kinh doanh nhất là các chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã và doanh nghiệp; mô hình đào tạo nghề nông nghiệp đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; mô hình đào tạo tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm; phương thức sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...

            Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030, định hình mô hình phát triển đất nước theo hướng trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại (năm 2030) và là nước phát triển (năm 2045), trong đó, nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược và nêu rõ định hướng xây dựng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. 

            Để phát huy kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 54-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó xác định, việc phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết; thúc đẩy đào tạo nghề, giải quyết việc làm. 

            Thực hiện hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế         - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

            Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

            GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030

            1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại

            - Phối hợp với Báo Nam Định, Đài truyền Nam Định và địa phương tuyên truyền, tư vấn học nghề nông nghiệp gắn với thực hiện mục tiêu của các chương trình MTQG và các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ưu tiên đào tạo các nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sản phẩm, ngành hàng quan trọng của tỉnh (Quyết định số 1979/QĐ-UBND ngày 18/9/2019 của UBND tỉnh v/v phê duyệt danh mục sản phẩm chủ lực; các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Nam Định); liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nghề quản lý trang trại; trồng cây dược liệu và các ngành nghề khác theo danh mục nghề đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 04/5/2020.

            - Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các mô hình mới về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, hình thành lực lượng tư vấn, xây dựng giáo trình để từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm đối với lực lượng lao động trong nông nghiệp.

            - Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

            - Tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực vào công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Tôn vinh hằng năm cho người lao động có kỹ năng, năng lực hành nghề xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp thiết thực, hiệu quả có giá trị trong quá trình đào tạo.

            2. Xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp theo nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động

            - Các địa phương điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động nông nghiệp nông thôn, lao động qua đào tạo; xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch 5 năm và từng năm gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó xác định các nghề cần, lĩnh vực ưu tiên đào tạo để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

            - Xác định danh mục nghề nông nghiệp đào tạo cho lao động nông thôn.

            - Chủ động đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đào tạo ngay từ khâu xác định nội dung, nghề, số lượng đào tạo, phân công lao động trong các lĩnh vực.

            - Tổ chức thí điểm các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng.

            - Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các cơ sở đào tạo thí điểm đào tạo từ xa, hướng dẫn kỹ thuật bằng hình ảnh trực quan sinh động trên phương tiện truyền thông.

            - Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để xác định số lượng lao động có nhu cầu đi học tập lao động ở nước ngoài và tổ chức đào tạo tiếng, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho họ và có định hướng cam kết lao động sau khi đi làm việc theo thời hạn ở nước ngoài khi trở về nước làm việc cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và trang trại của ngành nông nghiệp.

            - Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo và trả tiền lương, tiền công cho người lao động nông nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.

            - Huy động sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể, tổ chức đại diện của người lao động trong việc giám sát triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

            - Tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình đào tạo có hiệu quả của các địa phương trong nước để vận dụng phù hợp với lợi thế của địa phương.

            - Định kỳ thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả và hướng dẫn tổ chức thực hiện trên cơ sở căn cứ vào Bộ chỉ số đánh giá đã xây dựng.

            3. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

            - Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, ưu tiên lao động trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp, các nông hộ có quy mô lớn, HTX nông nghiệp... về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “tri thức hóa nông dân”; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người dân nông thôn; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm, xu hướng và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn phù hợp với lợi thế của địa phương.

            - Tích cực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; góp phần nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động ở nông thôn. Việc áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tạo động lực quan trọng để người lao động tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khi ý thức được vai trò của khoa học - công nghệ, người lao động nông thôn sẽ tìm cách thay đổi tập quán sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

            3. Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

            - Rà soát các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nghiên cứu, bổ sung danh mục nghề nông nghiệp đào tạo và mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ theo hướng hỗ trợ theo định mức của từng nhóm nghề cho phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

            - Ban hành các định mức cho các nghề mới/nghề ưu tiên như nghề giám đốc HTX; kỹ năng quản lý, marketing, phương án sản xuất kinh doanh cho các chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp; Đào tạo TOT cho cán bộ khuyến nông, nghệ nhân, thợ giỏi; đào tạo tiếng gắn với quy trình sản xuất nông nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động.

            - Bổ sung các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, biến đổi khí hậu và đối tượng lao động bị mất việc làm, nguy cơ bị mất việc làm, nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; lao động khu vực nông thôn; học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp).

             - Khuyến khích, huy động sự tham gia các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã vào các hoạt động đào tạo. Thúc đẩy thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp trong các hoạt động đào tạo.

            - Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động; kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù. Nghiên cứu và phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ người lao động tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước.

            4. Đẩy mạnh gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, hợp tác xã, tư nhân trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá, cấp chứng chỉ, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp

            - Đa dạng hoá các hình thức hợp tác, gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng huy động doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo. Phát triển mạnh các mô hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp, hợp tác xã và học nghề theo công việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã. Xây dựng năng lực cần thiết để triển khai các mô hình. Nhân rộng mô hình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác xã. Có các mô hình đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, hợp tác xã phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù, nhóm yếu thế.

            - Huy động cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề nông nghiệp cho người lao động tại doanh nghiệp, gắn với cơ chế trả lương, sử dụng lao động có kỹ năng trong doanh nghiệp.

            5. Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề nông nghiệp

            - Phối hợp với các tổ chức quốc tế đánh giá chất lượng lao động ngành nông nghiệp; xây dựng các tài liệu đào tạo nghề nông nghiệp tiên tiến, chuyển đổi số, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.

            - Tổ chức các diễn đàn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nâng cao chất lượng, kỹ năng cho lao động ngành nông nghiệp.

            - Hợp tác đưa lao động nông nghiệp đi học tập và lao động theo diện hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.

            6. Huy động nguồn lực để đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

            - Lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc bố trí kinh phí trung hạn, hàng năm cho nội dung thành phần về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

            - Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác đào tạo nghề nông nghiệp.

            - Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế vào công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

                                                                                                Lê Hồng Đức - Chi cục Phát triển nông thôn

Tin khác
Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang