image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bảo hiểm nông nghiệp-Công cụ quản lý rủi ro của người nông dân
Lượt xem: 2386
Bảo hiểm nông nghiệp có nhiều lợi ích cho nông dân khi giúp giảm cú sốc sinh kế cho nông dân khi các sự kiện rủi ro lớn xảy ra, có thể dẫn đến thiệt hại lớn và đẩy nông dân đến tình trạng túng thiếu cùng cực, hoặc phải đánh đổi để ứng phó với với rủi ro.
anh tin bai
anh tin bai

Bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta được triển khai thí điểm từ năm 2011 đến năm 2013 đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong giai đoạn thí điểm này, chương trình đã thu được các kết quả tích cực như: hoàn chỉnh cơ chế chính sách về thí điểm, hình thành 03 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (cây lúa, vật nuôi, thủy sản), thu hút được các hộ dân tham gia; thực hiện bồi thường kịp thời khi xảy ra tổn thất... góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Ngày 18/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về Bảo hiểm nông nghiệp. Để triển khai hiệu quả Nghị định 58/2018/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019; Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nhà đầu tư vào nông thôn, tạo điều kiện cho vùng nông thôn ngày càng phát triển.

Bài viết này xin đề cập những vấn đề cơ bản liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp để người dân hiểu rõ về bản chất, lợi ích của việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp, cơ chế chính sách Nhà nước ban hành.

Bảo hiểm là gì?

Bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ tài chính được sử dụng để quản lý những rủi ro có thể dẫn đến tổn thất tài chính, nhờ chuyển những rủi ro cụ thể từ bên được bảo hiểm sang công ty bảo hiểm bằng cách trả một khoản phí, gọi là phí bảo hiểm.

Bảo hiểm nông nghiệp chuyển một số rủi ro trong hoạt động nông nghiệp, thiệt hại tài sản và thu nhập của nông dân sang công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp. Nhờ giảm thiểu rủi ro tài chính, bảo hiểm nông nghiệp có thể khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nông nghiệp, vì khi có bảo hiểm nông nghiệp nông dân dễ có khả năng được cấp các khoản vay và đầu tư vào sản xuất giá trị cao hơn.

Bảo hiểm nông nghiệp?

Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (rủi ro phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo quy định).

Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.

Lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp?

Bảo hiểm nông nghiệp có nhiều lợi ích cho nông dân khi giúp giảm cú sốc sinh kế cho nông dân khi các sự kiện rủi ro lớn xảy ra, có thể dẫn đến thiệt hại lớn và đẩy nông dân đến tình trạng túng thiếu cùng cực, hoặc phải đánh đổi để ứng phó với với rủi ro, chẳng hạn như phải bán đồ dùng gia đình hoặc vật nuôi hoặc tài sản khác để bù đắp tổn thất. Ngoài ra, bảo hiểm nông nghiệp cũng có thể có tác động gián tiếp đến việc canh tác của nông dân nhờ giảm thiểu rủi ro của họ trong một chừng mực nhất định và như vậy, nông dân có thể tiếp cận các khoản vay, vật tư đầu vào để canh tác và các dịch vụ khác một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhờ giảm thiểu rủi ro, bảo hiểm cũng có tác động có lợi với ngân hàng, doanh nghiệp nông nghiệp và các doanh nghiệp khác làm việc với nông dân. Bảo hiểm nông nghiệp cũng có thể được vận dụng như một hình thức bảo trợ xã hội và bổ sung cho các cơ chế cứu trợ thiên tai khẩn cấp khác.

Bảo hiểm nông nghiệp có thể bồi thường cho những nông dân khi xảy ra thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản với các rủi ro cụ thể được quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Khoản bồi thường này có thể giúp nông dân giải quyết được các nhu cầu hằng ngày như lương thực và thanh toán hóa đơn, khắc phục hậu quả làm ăn thua lỗ và thúc đẩy tái đầu tư để phục hồi sản xuất nhanh hơn.

Bảo hiểm nông nghiệp là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy thực hành nông nghiệp tốt, bao gồm tăng cường áp dụng các quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật phù hợp. Từ đó, không chỉ giúp tăng khả năng quản lý rủi ro mà còn nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất và hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Các loại rủi ro trong nông nghiệp được bảo hiểm được hỗ trợ?

1- Rủi ro thiên tai:

Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2- Rủi ro dịch bệnh, bao gồm:

a) Dịch bệnh động vật:

- Dịch bệnh động vật trên cạn: Các bệnh truyền nhiễm của động vật trên cạn theo danh mục bệnh động vật phải công bố dịch (bao gồm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa người và động vật) do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y.

- Dịch bệnh động vật thủy sản: Các bệnh của động vật thủy sản theo danh mục bệnh phải công bố dịch do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y.

b) Dịch hại thực vật:

- Sinh vật gây hại thực vật có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây hại nghiêm trọng đối với thực vật theo quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

- Dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các loại rủi ro trong nông nghiệp được bảo hiểm được hỗ trợ quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-BNNPTNT ngày 24/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Hướng dẫn xác nhận thiên tai, dịch bệnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ?

- Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau.

- Vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm.

- Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Mức hỗ trợ?

- Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

- Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

- Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp?

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp là những quy định về đối tượng, mức hỗ trợ, các rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, phương thức thực hiện, nguồn kinh phí, hồ sơ, trình tự thủ tục ... thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, các vùng sản xuất chính theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cụ thể về đối tượng tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ; loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ; loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ; mức hỗ trợ; thời gian thực hiện hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.

Trình tự, thủ tục tham gia và được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp?

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc địa bàn được hỗ trợ tổ chức lựa chọn (toàn bộ địa bàn hoặc trên một số địa bàn cấp huyện, xã), công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Trên cơ sở địa bàn được hỗ trợ, tổ chức và cá nhân sản xuất nông nghiệp lập hồ sơ đề nghị xem xét, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ (Đơn đề nghị xem xét phê duyệt đối tượng theo mẫu - Mẫu số 01, Bảng kê khai về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản - Mẫu số 02, Tài liệu minh chứng thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trường hợp đối tượng được hỗ trợ là tổ chức sản xuất nông nghiệp) gửi đến UBND cấp xã nơi tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất nông nghiệp - Mẫu biểu được quy định tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP.

UBND cấp xã rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ và báo cáo UBND cấp huyện.

UBND cấp huyện thực hiện thẩm định, tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và PTNT.

Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Sau khi UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ, UBND cấp xã niêm yết công khai danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp tại Trụ sở UBND cấp xã, thông báo trên hệ thống thông tin, truyền thông của xã và sao gửi tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp yêu cầu.

Phương thức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp?

Việc hỗ trợ phí bảo hiểm được thực hiện thông qua danh nghiệp bảo hiểm theo trình tự, thủ tục quy định khi đã thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm cho cây lúa được tính như thế nào?

Số tiền bảo hiểm: là giá trị bằng tiền được tính theo diện tích lúa được bảo hiểm theo từng vụ.

Số tiền bảo hiểm

=

Diện tích lúa được bảo hiểm

x

Năng suất được bảo hiểm

x

Đơn giá lúa

Trong đó:

- Diện tích lúa được bảo hiểm: là diện tích trồng lúa thực tế tham gia bảo hiểm của Người được bảo hiểm.

- Năng suất được bảo hiểm: là năng suất tối thiểu dự kiến sẽ thu hoạch được trong thời gian bảo hiểm. Thông thường năng suất được bảo hiểm bằng % năng suất bình quân xã trong 3 năm trước được quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm.

- Đơn giá lúa: là giá trị bằng tiền (Đồng Việt Nam) của một tấn lúa tính cho từng vụ trên địa bàn được bảo hiểm. Đơn giá lúa được xác định theo nguyên tắc lấy giá lúa vụ gần nhất do UBND tỉnh công bố và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm/giấy chứng nhận bảo hiểm.

Phí bảo hiểm: là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm thu được từ Người được bảo hiểm, Chủ hợp đồng bảo hiểm và/hoặc nhận từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Phí bảo hiểm cho từng Người được bảo hiểm:

Phí

 bảo hiểm

=

Số tiền bảo hiểm

x

Tỷ lệ phí bảo hiểm

Giá trị tổn thất được bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm được tính như thế nào?

Giá trị tổn thất được bồi thường

=

Năng suất được bảo hiểm

-

Năng suất thực tế xã được

công bố

x

Diện tích lúa được bảo hiểm

x

Đơn giá lúa

Bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, thiết yếu cho người nông dân để hạn chế những thiệt hại do các rủi ro gây nên. Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm là rất cần thiết đối với mọi người. Nhà nước khuyến khích các DNBH và tái bảo hiểm phối hợp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người dân chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại tài chính do không may gặp phải trong sản xuất nông nghiệp như thiên tai, dịch bệnh. Khi người dân yên tâm sản xuất thì hiệu quả sản xuất mang lại luôn được tối ưu nên Nhà nước khuyến khích người dân tham gia và tái tham gia để các vấn đề thiên tai, dịch bệnh không còn là nỗi lo lớn./.

                                                                                                                                 Lê Hồng Đức- Chi cục PTNT

Tin khác
Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang