image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản
Lượt xem: 1717
Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, tăng tính cạnh tranh và kéo dài thời gian bảo quản, không để tình trạng nông sản tươi ùn ứ vào mùa thu hoạch rộ, những năm qua tỉnh ta đã nỗ lực thúc đẩy và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản đang có các điểm “nghẽn” cần tháo gỡ để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.
anh tin bai

Chế biến ngao xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định).

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, các ngành, các địa phương đã chú trọng quy hoạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; đồng thời hướng công nghiệp chế biến vào các sản phẩm phù hợp với đặc điểm, thế mạnh về nguyên liệu của tỉnh. Hầu hết các xã đã quy hoạch được các vùng “cánh đồng lớn” để sản xuất hàng hóa tập trung, có 83% số xã đã quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Các tổ chức, cá nhân đã tập trung, thuê gom, tích tụ được 1.750ha đất nông nghiệp để phát triển sản xuất; điển hình như: Công ty TNHH Cường Tân (350ha), Công ty Đình Mộc (96ha)… Tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất an toàn đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường gắn với quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như: công nghệ VietGAP, GlobalGAP, công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... Khuyến khích hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thay thế dần các thiết bị lạc hậu để nâng cao công suất, chất lượng, đa dạng các sản phẩm nông sản chế biến để tăng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Từ năm 2019 đến nay, thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm, các ngành, các địa phương còn đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp chế biến từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đặc biệt các ngành chức năng, các địa phương đã lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường… để hỗ trợ thiết lập, dẫn dắt chuỗi liên kết giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản trên cơ sở gắn kết lợi ích giữa các nhà chế biến với người sản xuất và cung cấp nguyên liệu. Nhờ đó, các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản đều đảm bảo cung cấp sản phẩm theo thị hiếu của thị trường, đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như gạo chất lượng cao, ngao sạch...

Đến nay, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh có bước phát triển mới với 2.974 cơ sở chuyên sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến nông sản hiện đại, điển hình như: Công ty TNHH Minh Dương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Công Danh, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty Thủy sản Hùng Vương... Toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm. Tỉnh hiện có 146 sản phẩm truyền thống và có thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, rau, củ, quả… được UBND tỉnh cấp chứng nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP. Sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc điều hành đã tác động và giúp công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh có nhiều khởi sắc. Nông sản chế biến ngày càng gia tăng sản lượng, cơ cấu mặt hàng tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các doanh nghiệp nông nghiệp của tỉnh đã chủ động liên kết thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh với 40 thành viên; đầu tư và đưa vào vận hành có hiệu quả Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh. Đến nay đã kết nối và lan tỏa, hình thành hệ thống chuỗi 40 cửa hàng tiện ích kinh doanh giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn trên toàn tỉnh và mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh tham gia chuỗi liên kết (Vingroup, Co.opMart, Go!...). Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh hợp tác với Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định tổ chức khai trương sàn thương mại điện tử voso.vn giúp các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể kết nối quảng bá trực tiếp bán nông sản cho người tiêu dùng, trong đó có các sản phẩm chế biến được quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Những kết quả trên cho thấy, công nghiệp chế biến tiếp tục phát huy vai trò then chốt trong gắn kết sản xuất và tiêu thụ, gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng nông sản và thu hút lao động vào nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra. Số lượng cơ sở chế biến nông sản tăng nhưng phần lớn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún; công nghệ chủ yếu là thủ công và bán tự động. Năng lực chế biến của một số ngành hàng chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ rau, quả; chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú. Số lượng cơ sở, doanh nghiệp kết nối giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ còn ít so với tiềm năng và nhu cầu. Mặt khác, đặc thù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận thấp, thị trường sản phẩm không ổn định, có nhiều rủi ro, nên thu hút đầu tư khó chưa đạt kết quả như kỳ vọng; chưa có nhiều các tập đoàn lớn nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tại địa phương.

Thời gian tới, tỉnh tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” và chú trọng bám sát lộ trình, phương án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản tương ứng với quy hoạch vùng nguyên liệu, tiến độ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển các nông sản thế mạnh, trọng điểm. Đẩy mạnh tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm, tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, dịch vụ vật tư đầu vào. Đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản đầu tư nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và chú trọng phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Quan tâm nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; chú trọng hỗ trợ, nâng cao năng lực chế biến nông sản cho các cơ sở, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; tích cực phát huy vai trò của nông dân trong làm chủ khâu sơ chế, chế biến và nắm bắt thị trường tiêu thụ./.

Trích nguồn: Bài và ảnh: Thanh Thúy - Báo Nam Định

Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang