27/05/2024
Nuôi cá lồng trên sông, cơ hội và thách thức
Lượt xem: 503
Nam Định, miền đất của những dòng sông với bốn con sông lớn và hàng trăm sông nhỏ, kênh mương nội đồng tạo ra một hệ thống sông ngòi dày đặc. Theo đó phía Đông Bắc là sông Hồng bao bọc, phía Tây Nam có ranh giới tự nhiên với tỉnh Ninh Bình là dòng sông Đáy bao quanh, ở giữa là sông Đào (Nam Định) và sông Ninh Cơ.
Từ ngàn đời nay, nguồn nước, phù sa màu mỡ và tôm cá từ
bốn con sông đã nuôi dưỡng cái nôi văn hiến đất thành nam, tạo nên sự trù phú
cho quê hương Nam Định. Ngày nay, những dòng sông còn trở thành điểm tựa, động
lực cho những ngành nghề sản xuất mới phát triển trong đó có nghề nuôi cá lồng
trên sông.
Nuôi cá lồng trên sông Ninh Cơ
Có thể nói, nghề nuôi cá lồng trên sông tại Nam Định phát
triển khá muộn so với nhiều vùng có địa thế tương tự. Một phần là do lợi thế
quá lớn của nuôi nội đồng và đặc biệt là nuôi mặn lợ ven biển nên nuôi lồng
trên sông ít được chú ý hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nắm bắt và tận dụng
lợi thế mặt nước tại các con sông lớn, nghề nuôi cá lồng trên sông đã dần hình
thành và phát triển mạnh mẽ. Hiện tại đã có 23 hộ với khoảng 260 lồng nuôi các
loại. Các đối tượng nuôi đều là nhóm đặc sản, có giá trị cao như cá lăng, chép
giòn, trắm cỏ,.. hay như tại Mỹ Lộc là cá Kol, một loại cá cảnh có giá trị rất
cao trên thị trường. Nghề nuôi các lồng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên
cho hàng trăm lao động, hàng năm cung cấp cho thị trường 300-400 tấn cá thương
phẩm, hàng ngàn con cá cảnh. Trên cơ sở sống và làm việc theo hiến pháp và pháp
luật, các cơ sở đã được Chi cục Thủy sản tuyên truyền các quy định có liên quan
đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là quy định về việc đăng ký nuôi thủy
sản lồng bè. Từ ngày 19/5/2024, việc xin cấp giấy xác nhận nuôi lồng bè sẽ được
tháo gỡ một phần khó khăn vướng mắc do Nghị Định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định
26/2019/NĐ-CP đã bỏ thành phần giấy chứng nhận, hợp đồng cho thuê đất, mặt nước
trong thành phần hồ sơ đăng ký.
Với bốn con sông lớn, lợi thế phát triển nghề nuôi cá
lồng tại Nam Định còn rất nhiều, có thể định hướng trở thành một trong những
thành phần quan trọng trong hệ thống nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh nhà. Nhưng có
lợi thì cũng phải đề phòng đến những nguy hại như thiên tai, dịch bệnh và nhất
là ô nhiễm môi trường. Hiện tượng cá tự nhiên chết, cá lồng chết do ô nhiễm nguồn
nước tại các tỉnh khác như Hải Dương gần đây cũng là hồi chuông báo động đối với
nghề nuôi cá lồng tại Nam Định. Không thể phủ nhận là nước trên các con sông
đang có xu hướng ngày càng ô nhiễm, trong khi đó nghề nuôi cá lồng trên sông phụ
thuộc hoàn toàn vào chất lượng nước trên sông, các biện pháp xử lý, phòng ngừa
ô nhiễm cũng chỉ có tác dụng rất hạn chế do nước sông là dòng nước lưu động. Chỉ
trong một khoảng thời gian rất ngắn, dòng nước lạ tràn qua có thể quấn đi cả cơ
ngơi sự nghiệp của người nuôi. Vậy mới thấy lợi thế là vô kể, nguy cơ thì kể
không hết hay như cách người nuôi thường nói “ 9 phần trông chờ, 10 phần không
ngờ”
Hy vọng trong thời gian tới, sự vào cuộc đồng bộ của
các cơ quan có liên quan đến công tác đảm bảo môi trường sẽ giúp cho những dòng
sông luôn xanh tươi trong lành, là điều kiện tốt cho sự phát triển của nghề
nuôi cá lồng trên sông.
Tác giả: Phòng NTTS – Chi cục Thủy sản