Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống thủy sản
Những năm gần đây, mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta ổn định ở mức hơn 16 nghìn ha nhưng nhờ chất lượng con giống ngày càng tăng cả về số lượng, chủng loại nên góp phần tăng sản lượng và giá trị sản phẩm trên mỗi ha mặt nước. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong sản xuất giống thủy sản.
Sản xuất giống hàu rời nhân tạo tại xã Giao Thiện (Giao Thủy).
Với mục tiêu đa dạng giống thủy sản, Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến thủy sản Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy) đã sản xuất, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: ngao, cua, cá bống bớp, tôm sú… Từ năm 2015, Công ty đã tiến hành nghiên cứu, cho sinh sản và ươm thành công giống ốc hương, đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với ngao, tôm; ít chịu tác động bởi ô nhiễm môi trường nước thường xảy ra trong những năm gần đây. Mặt khác, ốc hương rất thích hợp với vùng nuôi có độ mặn lên tới 20-30%o như tại huyện Giao Thủy. Thời gian nuôi ốc hương kéo dài 4-5 tháng là có thể cho thu hoạch với sản lượng đạt 12-15 tấn/ha. Thực hiện dự án “Áp dụng KH và CN trong sản xuất, nuôi trồng giống sò huyết”, Công ty được Sở KH và CN hỗ trợ xây dựng thành công quy trình sản xuất giống sò huyết nhân tạo. Ông Đinh Thanh Khiết, Giám đốc Công ty cho biết: Việc sản xuất và nuôi thả thành công giống sò huyết nhân tạo giúp địa phương chủ động được con giống cho sản xuất đại trà. Mặt khác do con giống sản xuất tại chỗ nên khi nuôi thương phẩm sò huyết nhanh thích nghi, phát triển tốt hơn so với giống nhập từ nơi khác. Thành công của dự án cũng mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi sò huyết ổn định, bền vững, đa dạng con nuôi có giá trị trong lĩnh vực thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nông dân.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 137 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; trong đó có 22 cơ sở chủ yếu sản xuất giống nước ngọt như các loại cá truyền thống trắm, chép, mè, trôi; 115 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ như tôm, nhuyễn thể, cá. Hiện nhiều cơ sở, trung tâm sản xuất giống thủy sản đã tiếp cận, nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế cao như lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan, ốc nhồi, ngao, tôm sú, cua biển, cá bống bớp… Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh đã đáp ứng được trên 70% nhu cầu giống thả nuôi trong tỉnh. Để chủ động về số lượng, quản lý chặt chẽ về chất lượng con giống, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương quan tâm, hỗ trợ, thu hút đầu tư vào sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Nổi bật là dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi hàu đơn Thái Bình Dương tại tỉnh Nam Định” ở huyện Giao Thủy của Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú với nguồn kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng. Thực hiện dự án Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã hỗ trợ cán bộ kỹ thuật của Công ty các kỹ thuật, công nghệ sản xuất hàu giống từ khâu xây dựng, vận hành hệ thống, nuôi tảo, tuyển chọn hàu bố mẹ, nuôi vỗ thành thục, sinh sản nhân tạo, ấp nở trứng, ương hàu giống, tạo hàu rời, ương spat (ấu trùng bám) hàu rời và nuôi thương phẩm. Sau gần 2 năm triển khai, Công ty đã làm chủ công nghệ sản xuất hàu rời, tạo và ương nuôi 10 triệu con giống, xây dựng thành công mô hình công nghệ nuôi hàu rời thương phẩm. Dự án sản xuất giống nhân tạo hàu rời thành công góp phần nâng cao chất lượng hàu giống ở Giao Thủy và tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung, giảm lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu; nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất hàu Thái Bình Dương thương phẩm; góp phần thúc đẩy nghề nuôi hàu Thái Bình Dương phát triển bền vững.
Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Công ty TNHH Thông Thuận và Công ty TNHH Việt Anh đã xây dựng cơ sở nuôi, ương giống tôm thẻ chân trắng tại xã Hải Chính (Hải Hậu) gồm hệ thống bể lọc và các công trình phụ trợ sản xuất giống tôm hiện đại. Cả 2 cơ sở đều được Chi cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Các cơ sở được xem là “trạm trung chuyển” khi toàn bộ giống tôm nhập về địa phương được 2 cơ sở nuôi và thuần độ mặn theo nhu cầu của người mua để tôm giống thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, tránh bị sốc môi trường nước khi thả, bảo vệ con giống, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm của người dân trong vùng. Ngoài ra, một số cơ sở khác nhập giống các đối tượng nuôi phục vụ người dân như: Công ty TNHH Công nghệ Thủy sản Cao Minh, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) nhập trứng (phôi) và cho nở thành công cá mú; HTX Giống hải sản Tùng Lâm, xã Hải Chính (Hải Hậu) nhập cá trình giống...
Có thể nói, những năm qua sự chỉ đạo kịp thời, đúng hướng của tỉnh đã tạo điều kiện tốt để thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn mang tính chiến lược, bền vững. Qua đó, phát triển nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, do đặc thù về khí hậu thời tiết có mùa đông lạnh, nên chi phí phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cao, ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất và giảm sức cạnh tranh. Chất lượng đàn cá bố mẹ nước ngọt đã già và suy thoái nên cá giống nước ngọt bị hạn chế. Một số đối tượng, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng muốn làm chủ công nghệ phải có sự đầu tư lớn nên hiện tỉnh vẫn chưa có cơ sở sản xuất thành công. Chất lượng sản xuất giống ngao bố mẹ có hiện tượng cận huyết nên đàn giống đang dần bị suy thoái. Tuy số lượng cơ sở sản xuất giống nhiều nhưng còn mang tính chất nhỏ, lẻ khiến việc ứng dụng KHCN còn hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất giống thủy sản còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất ương dưỡng, sử dụng con giống thủy sản theo đúng quy định hiện hành. Tiếp tục tham mưu tỉnh điều chỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất con giống thủy sản trên địa bàn hoặc xây dựng các cơ sở ương dưỡng giống theo chuỗi liên kết, đảm bảo con giống rõ nguồn gốc, thích nghi được với điều kiện môi trường nuôi. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh tiếp cận với KHCN và sản xuất các đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương có giá trị kinh tế cao, tăng lợi nhuận cho người sản xuất./.
Trích nguồn: Bài và ảnh: Ngọc Ánh - Báo Nam Định