image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nam Định xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ
Lượt xem: 1521
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, hạn chế bệnh tật là rất cần thiết. Xuất phát từ đó, Trung tâm Khuyến nông Nam Định đã triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ Mùa 2021” tại xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh nhằm thay đổi nhận thức, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người dân sản xuất. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương của tỉnh, huyện cũng như định hướng chung của ngành nông nghiệp hướng tới.
anh tin bai

 Tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

Tham dự và chỉ đạo hội thảo có ông Đinh Văn Ngọ – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nam Định; Đại diện các phòng ban của Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định ; Phòng Nông nghiệp; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp; cán bộ khuyến nông và bà con nông dân vùng trồng lúa thuộc huyện Trực Ninh. Mô hình được triển khai với quy mô 1,5 ha trên giống ST25, phương thức gieo cấy là máy cấy mạ khay. Mô hình sử dụng 100% sử dụng Phân bón hữu cơ Con én vàng HC 888 của Công ty TNHH ứng dụng và phát triển công nghệ cao HITEDA, thuốc bảo vệ thực vật sinh học do Công ty TNHH Nông Sinh sản xuất. Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học khi có sâu bệnh xảy ra.  

Qua kết quả theo dõi cho thấy mô hình đã đạt được nhiều lợi ích, về mặt kinh tế: Năng suất đạt 210kg/sào,với giá bán 10.000đ/kg cho lợi nhuận 2,1 triệu đồng/ sào, cao hơn so với đại trà 10-15%. Về mặt môi trường, sinh thái: Sử dụng 100% phân bón hữu cơ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng, … cùng sinh sống trên ruộng lúa. Về mặt xã hội: Không sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, phân hóa học nên sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Về mặt nhận thức: Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững đảm bảo sản phẩm an toàn, môi trường đất nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

 

Tại hội nghị đầu bờ các đại biểu được tham quan mô hình, được trao đổi trực tiếp với chủ ruộng tham gia làm mô hình, với cán bộ chỉ đạo kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Nam Định. Khi quan sát trên đồng ruộng các đại biểu dự hội nghị đều nhận thấy bộ lá màu xanh bền, cây lúa sạch sâu bệnh từ gốc đến ngọn, màu sắc hạt lúa vàng sáng hơn. Ông Vũ Thế Đăng – nông dân tham gia mô hình cho biết: “ trong mô hình việc sử dụng 100% phân hữu cơ theo quy trình cùng với việc sử dụng máy cấy mạ khay đảm bảo mật độ nên cây lúa phát triển tốt, độ đồng đều cao, hạn chế sâu bệnh. Mô hình từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng…nên tôi luôn cảm thấy an tâm, không lo sợ độc hại khi đi chăm sóc lúa”.

Ông Vũ Hồng Quảng – Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Hải, trưởng Ban Nông nghiệp xã, phát biểu: So với lúa ST25 bà con canh tác theo lối thông thường thì cây lúa mô hình khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, khả năng chống đổ cao. Trong đợt mưa dông cuối vụ kèm theo gió giật mạnh, các ruộng canh tác thông thường đều bị đổ, riêng ruộng mô hình cây có bộ rễ bám chắc, cứng cây nên không bị đỗ ngã rất thuận lợi cho việc thu hoạch. Và khi canh tác lúa theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng vỏ chai thuốc Bảo vệ thực vật vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng, mà thay vào đó là ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên. Ông khắng định mô hình rất thành công, sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn xã trong các vụ tiếp theo và tiến tới xây dựng thành sản phẩm OCOP của Liêm Hải.

Sau khi tham quan mô hình, ông Đinh Văn Ngọ đánh giá: Mô hình lúa theo hướng hữu cơ triển khai tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra một hướng canh tác bền vững cho địa phương. Đề nghị Công ty TNHH Nông Sinh tiếp tục cung cấp các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ và tập huấn kỹ thuật sử dụng để bà con dễ dàng áp dụng. Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục là cầu nối chuyển giao kỹ thuật, tiến bộ khoa học hỗ trợ nông dân để có những sản phẩm sạch chất lượng an toàn. Đề xuất ngành nông nghiệp có chính sách hỗ trợ, đồng thời tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình, khuyến khích bà con nông dân thực hiện theo mô hình ưu việt này.

                                                                                                Phạm Thị Thu Huyền -Trung tâm Khuyến nông Nam Định 

Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang