Mặc dù công tác tiêm phòng vụ xuân 2024 cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC)
đã được ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực phối hợp triển khai nhưng
kết quả tiêm thực tế vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Cán bộ thú y xã Cộng Hòa (Vụ Bản) tiêm vắc-xin phòng bệnh
cho vật nuôi
Vụ xuân năm 2024, kế hoạch toàn tỉnh phấn đấu tiêm phòng
vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho 152.900 con lợn; lở mồm long móng cho
27.770 con trâu, bò, dê; vắc-xin lở mồm long móng cho 19.300 con lợn nái, lợn
đực giống; vắc-xin phòng bệnh dại cho 47.700 con chó, mèo và viêm da nổi cục
cho 17 nghìn con trâu, bò. Các địa phương triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh
cho đàn GSGC trên địa bàn từ ngày 15-4 đến 15-5-2024. Để thúc đẩy việc tiêm
phòng vụ xuân, ngày 19-4-2024 Sở NN và PTNT đã có Công văn số 1292/SNN-CNTY về
việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc-xin phòng bệnh
cho đàn vật nuôi.
Đồng chí Trần Văn Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng Thú y xã
Liên Bảo (Vụ Bản) cho biết: Từ đầu năm đến nay, quy mô đàn vật nuôi của xã đang
có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023. Thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ xuân
theo chỉ đạo của UBND tỉnh và kế hoạch huyện giao, xã đã xây dựng kế hoạch tiêm
phòng các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống
Đài truyền thanh nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và người
chăn nuôi về việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi; đồng thời triển
khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” trên toàn xã, góp
phần bảo đảm phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững. Việc tiêm phòng được lên
lịch cụ thể ngày, giờ, địa điểm tiêm cho từng thôn, xóm và niêm yết công khai
tại nhà văn hóa để người dân biết và phối hợp thực hiện. Riêng việc tiêm
phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo được thực hiện vào thứ 7, chủ nhật… Nhờ đó, kế
hoạch tiêm phòng được thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiêm tập trung và tiêm
róc các đối tượng trong diện phải tiêm. Đến ngày 10-5-2024, toàn xã đã hoàn
thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng vụ xuân.
Tuy nhiên, tính tổng thể trên toàn tỉnh, kết quả tiêm phòng cho
đàn GSGC vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tính đến ngày 16-5-2024, toàn
tỉnh tiêm vắc-xin dịch tả lợn cho 61.833 con
lợn, đạt 40,4% kế hoạch (trong đó người dân tự mua vắc-xin tiêm 46.835
con); tiêm vắc-xin lở mồm long móng 2.028 con trâu, bò, dê, đạt 7,3% kế hoạch;
tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho 4.313 con lợn nái, lợn đực giống, đạt 22,3%
kế hoạch; tiêm vắc-xin dại cho 66.344 con chó, mèo, đạt 139,1% kế hoạch. Ngoài
ra, người dân đã mua 15.200 liều vắc-xin lở mồm, long móng để tiêm phòng cho
đàn lợn thịt; tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho 902 con trâu, bò, đạt 5,3% kế
hoạch. Như vậy, ngoài tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo vượt chỉ
tiêu kế hoạch, còn các chỉ tiêu khác đều chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân khiến kết quả tiêm phòng vụ xuân năm nay đạt tỷ lệ
thấp là do một bộ phận người chăn nuôi nhận thức chưa đúng và không chấp hành
quy định tiêm phòng vắc-xin cho đàn GSGC; lực lượng tham gia tiêm phòng của
nhiều xã, thị trấn quá mỏng, một số nơi chưa kiện toàn được trưởng thôn sau khi
sáp nhập, thậm chí có nơi chỉ giao cho một mình trưởng thú y xã thực hiện nhiệm
vụ tiêm phòng. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm lãnh
đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng vụ xuân cho đàn GSGC; không
bố trí kinh phí hỗ trợ lực lượng tham gia tiêm phòng; không tổng hợp, báo cáo
số liệu các loại vắc-xin từ nguồn xã hội hóa để đánh giá đúng kết quả tiêm. Công tác rà soát, thống kê tổng đàn GSGC còn nhiều bất cập, chưa
chính xác nên ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch và tổ chức tiêm phòng. Bên cạnh
đó, nhiều hộ, trang trại nuôi lợn không muốn người từ bên ngoài, kể cả cán
bộ thú y vào trong chuồng nuôi do tâm lý lo ngại bệnh dịch tả lợn châu Phi phát
sinh, lây lan, gây khó khăn cho công tác tiêm phòng. Vấn đề thiếu nhân lực
cán bộ thú y tại cơ sở từ nhiều năm nay chưa được khắc phục. Hiện nay, đội
ngũ cán bộ trưởng thú y của một số xã, thị trấn đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút,
địa bàn phụ trách rộng lại chỉ có 1 mình nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặt khác,
tiền công chi trả cho đội ngũ tiêm phòng thấp nên không thu hút được cán bộ thú
y trẻ tuổi tham gia nên rất khó hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn GSGC.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT),
thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, mưa, nắng nóng, bão, áp
thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi. Đây là điều kiện thuận
lợi để các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, là bệnh dịch tả lợn châu Phi
phát sinh, lây lan. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đã có công văn đôn đốc
tiêm phòng vắc-xin và tăng cường công tác phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh
động vật. Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan
tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện
pháp phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy
định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của
tỉnh. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá kết quả tiêm phòng vụ
xuân năm 2024, khắc phục những hạn chế và tiếp tục chỉ đạo tiêm vắc-xin triệt
để cho đàn vật nuôi, nhất là các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long
móng, dịch tả lợn, tai xanh, viêm da nổi cục, dại... bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng
đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn. Chỉ đạo chính quyền cơ sở, mạng lưới thú y cấp
xã, cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận
các hộ nuôi. Tích cực thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh động vật;
hướng dẫn cụ thể cho người nuôi thực hiện tốt việc kê khai hoạt động chăn nuôi;
thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực nuôi; thực hiện đúng
quy trình tiêm phòng vắc-xin đối với GSGC; sử dụng hợp lý các loại kháng sinh
trong chăn nuôi./.
Nguồn: Báo điện tử Nam Định