image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hội nghị trực tuyến Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch năm 2022
Lượt xem: 976
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có sản xuất nông nghiệp, để kịp thời đánh giá thực trạng sản xuất chăn nuôi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy sản xuất chăn nuôi trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội, sáng ngày 08/10/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến: “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch năm 2022” với 63 tỉnh, thành phố, các Bộ, Ngành, doanh nghiệp có liên quan.

    Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT dự và chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT.

     Dự Hội nghị tại đầu cầu Nam Định có đồng chí Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở và một số doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

     Tại Hội nghị, Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có báo cáo khái quát đánh giá thực trạng chăn nuôi năm 2021, giải pháp phát triển chăn nuôi Quý IV/2021 và đầu năm 2022.

     Báo cáo nêu lên những khó khăn thách thức mà ngành chăn nuôi đang phải đối mặt như: (1) Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; việc giãn cách xã hội thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. (2) Dịch bệnh trên động vật diễn biến phức tạp. (3) Biến đổi khí hậu đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi. (4) Thị trường tiêu thụ nông sản giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng hàng rào kỹ thuật. Nhiều hàng hóa gặp khó khăn trong xuất khẩu.

     Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới ngay cả đối với Việt Nam, đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi, làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp có giai đoạn, có loại vật nuôi chỉ bán được 25-30% giá thành như gà công nghiệp lông trắng. Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.

     Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương, đặc biệt sự cố gắng nỗ lực của ngành Nông nghiệp, sản xuất chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2021 duy trì phát triển: tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020, trên 12 tỷ quả trứng và gần 900 ngàn tấn sữa; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%.

     Phát biểu tham luận tại đầu cầu Nam Định, đồng chí Hoàng Thị Tố Nga – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhất trí cao với các Báo cáo đề dẫn được trình bày trước Hội nghị.

     Theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chăn nuôi Nam Định cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của cả nước. Hiện tại, giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống rất thấp, khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg, trong khi đó thời điểm nhập giống khoảng 2.500.000 đồng/con lợn giống, tính trung bình người chăn nuôi lỗ 1.700.000 – 2.000.000 đồng/con lợn thịt xuất bán. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động tái đàn của bà con chăn nuôi.

    Về nhận định nguồn cung ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm, theo đồng chí Phó Giám đốc Sở rất khó dự đoán, bởi theo thói quen tiêu thụ thực phẩm tươi, đặc biệt là thịt lợn, với thực tại giá lợn hơi giảm sâu đúng vào thời điểm bà con tái đàn đáp ứng nhu cầu thực phẩm cuối năm. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tác động lớn tới hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm…

    Để chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, Nam Định đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, đặc biệt đàn nái nền; duy trì, phát triển các chuỗi liên kết-tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt các mô hình liên kết kinh tế tuần hoàn; Triển khai hiệu quả Luật Chăn nuôi, Luật Thú y,…; tăng cường giám sát phát hiện sớm và xử lý triệt để dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan; tiếp tục ưu tiên tiêm vacxin phòng bệnh Covid-19 cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu; …

    Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tham mưu Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế,... cho các doanh nghiệp nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng và có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi; đặc biệt Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương có hướng dẫn, chính sách ưu tiên chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang chăn nuôi…

     Tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe nhiều ý kiến tham luận của các tỉnh, thành phố, các cơ quan trung ương, các doanh nghiệp chăn nuôi,…

     Phát biểu bế mạc Hội nghị đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh, phát triển sản xuất chăn nuôi trong thời gian tới tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức do dịch bệnh, kinh tế hội nhập, biến đổi khí hậu,… Trước mắt Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch, dự báo thị trường sát với điều kiện thực tế để có những giải pháp phát triển cụ thể. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

                                               CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y

Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang