image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hội nghị trực tuyến Giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi
Lượt xem: 2021

Nhằm đánh giá hiện trạng, thời cơ, thách thức của ngành chăn nuôi lợn và các hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, kịp thời đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững, đồng thời tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, sáng ngày 18/3/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến: “Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi” với 63 tỉnh, thành phố, các Bộ, Ngành, doanh nghiệp có liên quan.

Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT dự và chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Dự Hội nghị tại đầu cầu Nam Định có đồng chí Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và đại diện các phòng, đơn vị trực thuộc Sở.

anh tin bai

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Nam Định

Hội nghị đã được nghe các báo cáo đề dẫn, ý kiến tham luận của các đơn vị, địa phương tham dự. Theo Cục Chăn nuôi, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn trên cả nước giảm mạnh các năm 2019, 2020; năm 2021 đàn lợn của cả nước đã dần phục hồi. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 3,9 triệu tấn. Cũng do dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nguồn cung thịt trong năm 2020 và đầu năm 2021 sụt giảm, khiến Việt Nam phải tăng nhập khẩu thịt lợn. Chỉ tính riêng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 346.000 con lợn sống (từ Thái Lan) và khoảng 143.463 tấn thịt lợn từ Nga, Brazil, Mỹ, Đức, Ba Lan.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi của nước ta không chỉ gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh đặc biệt là Dịch tả lợn châu Phi mà còn chịu ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đồng thời giá bán sản phẩm liên tục giảm. Hiện chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến lợi nhuận của người chăn nuôi lợn bị giảm mạnh, thậm chí bị thua lỗ kéo dài.

Đối với Nam Định, chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh của tỉnh, luôn ở vị trí số một về quy mô, giá trị và sản lượng (sản lượng thịt lợn hơi luôn chiếm 75-85% tổng sản lượng thịt hơi các loại). Thời điểm trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của tỉnh duy trì khoảng 700 ngàn con. Tuy nhiên sau năm 2019, do ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn còn khoảng trên 600 ngàn con. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 6.500 tỷ/năm, mức tăng trưởng ngành chăn nuôi những năm gần đây duy trì 3 – 3,5%/năm.

Năm 2021, tổng đàn lợn của tỉnh (không tính lợn con theo mẹ) đạt 641.050 con, tăng 0,1% (+960 con). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 150.470 tấn, tăng 0,2% (+256 tấn) so với năm 2020, vượt 0,3% so với Kế hoạch năm. Trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt gần 86 kg/con.

 Kết luận Hội nghị đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu, nhấn mạnh một số giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới và tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cụ thể:

1. Về cơ chế, chính sách: Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương cần có ý kiến về quy hoạch đất đai cho phát triển chăn nuôi. Các ngân hàng tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bởi chu kỳ chăn nuôi khá dài.

2. Các doanh nghiệp cố gắng không tăng giá thức ăn chăn nuôi để xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi tạo nên sức mạnh cho ngành. Mong các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chia sẻ khó khăn và chưa vội tăng giá trong thời điểm này để hỗ trợ phần nào người chăn nuôi cũng như hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển.

3. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đặc biệt công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong sản xuất chăn nuôi.

4. Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi. Viện Chăn nuôi đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng công thức khẩu phần thức ăn chăn nuôi có nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Cùng với việc tận dụng nguyên liệu sẵn có, các địa phương cần chuyển một số diện tích đất trồng trọt kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

5. Phát triển chăn nuôi gắn với xử lý môi trường, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.

Thứ trưởng nhấn mạnh, các giải pháp phải được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng theo chuỗi khép kín, phát triển công nghệ chế biến nâng cao sức cạnh tranh của ngành.

           

Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang