BỆNH DẠI – KHÔNG THỂ XEM THƯỜNG CHỦ ĐỘNG TIÊM PHÒNG VẮC XIN DẠI CHO ĐÀN CHÓ, MÈO LÀ BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH HIỆU QUẢ NHẤT
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước vẫn có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh Dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi). Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quốc ghi nhận 27 người tử vong do bệnh Dại ở 16 tỉnh, thành phố, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 (13 ca). Số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại lên tới 100.000 người, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và có 101 ca bệnh Dại trên động vật tại 25 tỉnh, thành phố. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.
1. Bệnh Dại là gì?
- Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chủ yếu lây từ chó
sang người.
- Bệnh do vi rút Dại gây ra, tác động lên hệ thần kinh
gây điên dại và chết.
2. Vì sao bệnh dại rất nguy hiểm với người và động vật?
- Khi người và động vật mắc bệnh dại và đã lên cơn dại
thì đều không thể chữa được.
- Người bị chó dại hay chó nghi mắc dại cắn mà không đến
cơ sở y tế để tiêm vắc xin kịp thời và tiêm không đủ liều thì có thể chết vì bệnh
dại.
3. Bệnh dại lây từ chó sang người như thế nào?
- Bệnh dại lây từ nước bọt của chó qua vết thương hở
trên da người, việc này chủ yếu do chó dại cắn người và vi rút dại lây từ nước
bọt của chó sang.
- Người hành nghề thú y, làm đẹp và chăm sóc chó, người
giết mổ chó cũng có nguy cơ nhiễm bệnh khi vi rút dại lây từ nước bọt của chó
qua vết thương hở, hay khi họ tiếp xúc với phần não, tế bào thần kinh của chó.
4. Làm thế nào để phòng bệnh dại cho chó và tránh lây
sang người?
- Người nuôi chó phải có trách nhiệm đăng ký với chính
quyền địa phương (trưởng thôn/khu) để được theo dõi và tiêm phòng vắc xin dại.
- Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh dại lây từ chó
sang chó và sang người là tiêm phòng bệnh dại hàng năm cho chó.
- Không nên thả rông mà cần xích nhốt chó lại để phòng
tránh lây nhiễm bệnh dại từ con chó khác.
- Khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích và rọ
mõm để phòng chó cắn nhau và cắn người.
5. Dấu hiệu bệnh dại ở chó như thế nào?
Chó hay
cắn, thay đổi thói quen, bỏ ăn, bỏ chơi, không trả lời khi chủ gọi. Bệnh dại ở
chó thường xảy ra ở hai thể sau:
- Chó dại điên cuồng: Chó thay đổi thói quen thường
ngày, hay tấn công và hung dữ bất thường, tiếng sủa thay đổi, rống lên như tiếng
hú, trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, sợ gió, sợ nước, chảy nhiều nước bọt và chết.
- Chó dại thể bại liệt (thể câm): chó trông buồn bã, mệt
mỏi, nhai nuốt khó khăn. Chó bị bại liệt, hàm trễ, nước bọt chảy nhiều và chết.
6. Người bị chó, mèo cắn cần phải làm gì?
Không
hoảng hốt! Làm tất cả các bước sau để phòng chống nhiễm dại
Bước 1: Rửa thật
kỹ bằng nước sạch và xà phòng (có thể dùng dầu rửa bát, dầu gội đầu, sữa tắm),
rửa dưới vòi nước chảy hoặc dội rửa ít nhất 15 phút sau đó sát khẩn bằng cồn 70o
(hoặc Iodine) hoặc có thể dùng rượu trắng để giảm thiểu lượng vi rút tại nơi
xâm nhập. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất phòng chống bệnh dại.
Rửa gần các chỗ thoát nước để các chất bẩn trôi ra cống,
không đọng lại trên sàn, nền nhà. Tuyệt đối không rửa vết thương trong chậu.
Không nặn, bóp vết thương cho máu chảy ra hoặc làm dập
nát vết thương. Tuyệt đối không được băng, khâu kín vết thương, không dùng các
biện pháp dân gian như thuốc nam, đắp lá…
Bước 2: Thông báo cho trưởng thú y xã/phường/thị trấn,
trưởng thôn/khu để nhận dạng, bắt nhốt chó đã cắn. Đồng thời đến ngay trung tâm
y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng dại kịp thời.
7. Cần làm gì khi thấy chó cắn người?
- Thông báo ngay cho cán bộ thú y xã/phường/thị trấn
và trưởng thôn/khu tới để bắt chó.
- Giúp đỡ người bị chó cắn tới trung tâm y tế để được
tư vấn và tiêm phòng
- Hợp
tác với thú y xã/phường/thị trấn để nhận diện và bắt, nhốt con chó đã cắn người.
8. Chủ nuôi chó cần làm gì khi chó nhà cắn người?
- Cố gắng bắt chó để xích hay nhốt lại vào chuồng nếu
có thể làm được việc này an toàn.
- Thông báo ngay cho thú y xã/phường, thị trấn và trưởng
thôn/khu để giúp bắt chó lại.
- Không động chạm vào chó để đảm bảo bạn an toàn trong
khi chờ cán bộ thú y tới.
- Giúp đỡ người bị chó cắn tới trung tâm y tế để được
tư vấn và tiêm phòng.
9. Hành vi không chấp hành phòng dịch bệnh động vật
thì xử phạt thế nào?
a) Trường hợp chủ của chó, mèo không thực hiện việc
tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc. Căn cứ điểm a khoản
2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định
04/2020/NĐ-CP) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính mức phạt tiền từ
1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá
nhân, trường hợp chủ thể có hành vi vi phạm là tổ chức thì mức phạt là gấp đôi
(căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP).
Đối hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích
giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Phạt tiền từ
1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP
của Chính phủ.
b) Trường hợp chó cắn người gây thương tích thì chủ vật
nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ Luật Dân sự năm
2015 như sau:
- Chủ sở hữu
súc vật (SV) phải bồi thường thiệt hại do SV gây ra cho người khác. Người chiếm
hữu, sử dụng SV phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng
SV, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp
người thứ 3 hoàn toàn có lỗi làm SV gây thiệt hại cho người khác thì người thứ
3 phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ 3 và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải
liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp SV
bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng
trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu sử dụng SV có lỗi
trong việc để SV bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường
thiệt hại.
- Trường hợp SV
thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu SV đó phải bồi thường
theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Thiệt hại phải bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho
việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút của
người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại;
chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt
hại trong thời gian điều trị... Nếu xảy ra hậu quả chết người, chủ chó còn phải
bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà
người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.
Đối với trường hợp chó cắn chết người, nếu xác minh được
việc để chó gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người
chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người
theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015: "Người nào vô ý làm chết người thì bị
phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội
làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm".
CHI CỤC
CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y TỈNH NAM ĐỊNH