Chi cục Trồng trọt & BVTV Nam Định tăng cường quản lý dịch hại cây vụ Đông năm 2021
Đến ngày 16/12/2021 các huyện, thành phố đã đôn đốc gieo
trồng được 11.060 ha (đạt 96% kế hoạch) chủ yếu là cây khoai tây
(1.960 ha); Cây ngô (1.935 ha); Cà chua (545 ha); Bí xanh (625 ha) ;
Rau (5.995ha) ;…Đầu vụ Đông gặp khó khăn do có mưa nhiều từ cuối tháng 9
đến giữa tháng 10, đặc biệt là đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 9-15/10 (ảnh
hưởng của cơn bão số 7 và 8). Tuy nhiên thời tiết từ cuối tháng 10 đến nay, ngày
nắng nhẹ, đêm về sáng trời lạnh, nhiệt độ trung bình 18-25oC, ẩm độ 70-80%, xen
kẽ có các đợt không khí lạnh tương đối thuận lợi cho cây vụ Đông sinh trưởng,
phát triển đồng thời thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại phát sinh gây hại
trong đó bệnh mốc sương phát sinh gây hại trên cà chua, khoai tây với tỷ lệ nơi
cao 5-7%, cục bộ >10%. Bệnh héo xanh, héo vàng: Phát sinh cục bộ trên cà
chua, khoai tây, tỷ lệ bệnh nơi cao 1-3%. Bệnh gây hại nhẹ hơn so với trung
bình nhiều năm. Sâu keo mùa thu gây hại cục bộ trên ngô: mật độ phổ biến 1- 3
con/m2, cao 5-7 con/m2, cá biệt 8-10 con/m2 tuổi 2, 3 (Mỹ
Tân - Mỹ Lộc ; Liên Bảo - Vụ Bản; Hải Ninh, Hải Giang - Hải Hậu; Nghĩa
Minh, Nghĩa Thành - Nghĩa Hưng,…). Sâu tơ, sâu xanh bướm trắng: gây
hại trên rau họ thập tự, mật độ nơi cao 3-5 con/m2, cục bộ >10 con/m2 tuổi 1, 2, 3,
mật độ sâu thấp cùng kỳ năm trước. Bọ nhảy: gây hại trên rau họ thập tự, rau
cải với mật độ phổ biến 5-7 con/m2, cao 10-15 con/m2.

Trước tình hình trên để đảm bảo giành kết quả
cao trong sản xuất vụ Đông năm 2021, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã tăng
cường điều tra, hướng dẫn (qua các kênh thông tin như chuyên mục Nhịp cầu
nhà nông, Website của Chi cục,…) để các hộ nông dân thường xuyên kiểm
tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng dịch hại, không để
lây lan, phát triển ra diện rộng.
Đối với bệnh mốc sương: Thường xuyên cắt bỏ, tiêu hủy các
lá già, lá bị bệnh để hạn chế nguồn lây lan. Phun phòng khi bệnh chớm xuất
hiện, sử dụng thuốc chứa hoạt chất: Azoxystrobin (Amistar® 250EC, Map hero
340WP ...), hoạt chất Propineb (Melody duo 66.75WP, Antracol
70WP...); hoạt chất khác (Arygreen 75WP, Ditacin 8SL,…). Bệnh héo
xanh vi khuẩn trên cà chua, khoai tây: thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát
hiện nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy, rắc vôi bột vào xung quanh gốc cây bị bệnh
để tránh lây lan trên diện rộng. Khi ruộng đã bị bệnh không tưới tràn, không
vứt cây bệnh bừa bãi hoặc xuống nguồn nước tưới, tránh lây lan trên diện rộng.
Không phun thuốc phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn vì hiện nay chưa có thuốc đặc
trị, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đối với sâu keo mùa thu trên ngô: Phun
trừ khi sâu tuổi nhỏ (tuổi 1-3) mật độ sâu ≥ 4 con/m2, sử dụng thuốc
có hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC, 300WG, Ammate®150EC, Obaone 95WG,
Sunset 300WG,...), hoạt chất khác (Fenrole 240SC, Takumi 20WG, Prevathon® 5SC, Match
050EC, Chlorferan 240 SC,...). Đối với sâu tơ, sâu xanh bướm trắng: Phun trừ khi sâu tuổi nhỏ với mật độ
≥ 10 con/m2; Sử dụng loại thuốc ít độc, thuốc thảo mộc, thuốc sinh học: Chế phẩm
Vi-BT 16.000WP, Bitadin WP; thuốc chứa hoạt chất Emamectin benzoate (Dylan
2EC, Golnitor 50WG, Silsau super 3.5EC, Eagle 50WG, Angun 5WG,,...); hoạt
chất Abamectin (Tập kỳ 1.8EC, Aremec 36EC,...); hoạt chất khác (Pegasus
500SC,...). Lưu ý: Chỉ sử dụng
thuốc khi thật cần thiết, ưu tiên loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn,
thuốc sinh học, thảo mộc và đảm bảo thời gian cách ly đối với từng loại thuốc. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc
BVTV để tránh hình thành tính kháng thuốc của sâu hại./.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nam
Định