image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn Nam Định
Lượt xem: 10692

    I. Đôi nét về Nông nghiệp – nông thôn Nam Định.

    Nam Định là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm Nam đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.652,3 km2; dân số 1,83 triệu người. Tỉnh có 9 huyện và 1 thành phố loại I, với 229 xã, phường, thị trấn, trong đó có 209 xã, thị trấn sản xuất nông nghiệp. Với 72 km bờ biển, 115.000 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa gần 80.000 ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 16.000 ha; nguồn lao động dồi dào, với những người nông dân cần cù, khéo léo, thông minh, sáng tạo. Nam Định có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành nghề nông thôn.

    Trong những năm qua, nhất là từ năm 2005 trở lại đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các huyện, thành phố đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi tích cực cơ cấu cây trồng con nuôi, chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá. Bằng nhiều nguồn lực, Tỉnh đã đầu tư 1.385 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trong đó đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho vùng chuyển đổi, phát triển sản xuất giống cây trồng, con nuôi, thuỷ sản, nạo vét các công trình thuỷ lợi; ban hành 11 cơ chế chính sách; thực hiện 35 đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao TBKT, công nghệ trong sản xuất nông, ngư  nghiệp; hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư.

    Các chính sách hỗ trợ, đầu tư đã phát huy hiệu quả, có tác động rất lớn cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản góp phần quan trọng vào kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi trên địa bàn tỉnh. Năm 2010: giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 4.348,904 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng 952,288 tỷ đồng (28%) so với năm 2005; cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt giảm dần từ 58,05% năm 2005 xuống còn 50,71% năm 2010; ngành chăn nuôi tăng từ 26,87% năm 2005 lên 30% năm 2010; ngành thủy sản tăng từ 15,09% năm 2005 lên 19,28% năm 2010. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2005 – 2010 đạt 5,07%/năm. Ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 10,35%/năm, ngành chăn nuôi 7,41%/năm, ngành trồng trọt 2,27%/năm.

    II. Tiềm năng, lợi thế và nhu cầu kêu gọi đầu tư

    1. Tiềm năng

    1.1. Về trồng trọt

    Với 115.000 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa gần 80.000 ha (160.000 ha/năm), trồng trọt là ngành sản xuất chính, sản xuất lúa gạo luôn là thế mạnh của nông nghiệp Nam Định. Cùng với ứng dụng nhanh, hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp được đặc biệt quan tâm, đến nay Nam Định có trên 6.000 máy làm đất, 4.800 máy tuốt, 99 máy gặt đập liên hợp, 1.100 công cụ gieo sạ hàng đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện lao động cho người nông dân. Năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 120 tạ/ha/năm, sản lượng 930.000 – 950.000 tấn, trong đó lúa hàng hóa chất lượng cao 400.000-500.000 tấn. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung gắn với bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đa dạng như vùng nguyên liệu lạc, khoai tây, rau ở Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, vùng lúa đặc sản ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng, vùng hoa cây cảnh ở Nam Trực, Thành phố và Mỹ Lộc… giá trị tổng sản phẩm trên 01 ha đất canh tác đạt 75,6 triệu đồng năm 2010 và 94,5 triệu đồng năm 2011. Cùng với lúa gạo, mỗi năm Nam Định cung cấp cho thị trường 16.000 tấn đậu tương, 25.000 tấn lạc, 112.000 tấn khoai tây và 360.000 tấn rau các loại.

    1.2. Về chăn nuôi

    Chăn nuôi là ngành có nhiều tiềm năng phát triển, đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phát triển mạnh chăn nuôi gia trại, năm 2010 toàn tỉnh có 344 trang trại và 988 gia trại, tổng đàn lợn hàng năm đạt 700-800 ngàn con, đàn trâu, bò 40 – 50 ngàn con, gia cầm 6,5 – 7,0 triệu con 40 - 50 ngàn con, gia cầm 6,5 - 7,0 triệu con. Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi được ứng dụng vào sản xuất đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Mỗi năm nông nghiệp Nam Định cung cấp cho thị trường trên 115 ngàn tấn thịt lợn, 10 ngàn tấn thịt bò, 20 ngàn tấn thịt gà, vịt và 130 triệu quả trứng.

    1.3. Về thuỷ sản

    Với lợi thế của một tỉnh có 72 km bờ biển, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là thế mạnh của Nam Định so với các tỉnh trong vùng. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, sôi động trên cả 2 vùng mặn lợ và nước ngọt, được xác định là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các tiến bộ kỹ thuật mới trong công tác giống, sản xuất thức ăn và kỹ thuật nuôi trồng được ứng dụng nhanh vào sản xuất; phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đang dần thay thế phương thức nuôi quảng canh truyền thống. Đã hình thành các vùng nuôi tập trung, thâm canh như vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Bạch Long, Giao Phong huyện Giao Thuỷ; Hải Hoà, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính huyện Hải Hậu, vùng nuôi tôm sú, vùng nuôi cá bống bớp, cá vược ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 40 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích 1.957 ha và 588 trang trại nuôi trồng thủy sản. Với gần 16 ngàn ha nuôi trồng, mỗi năm Nam Định cung cấp cho thị trường trên 53.000 tấn ngao, tôm, cua biển, cá các loại và một số thuỷ đặc sản giá trị kinh tế cao.

    1.4. Về ngành nghề nông thôn

    Cùng với thâm canh lúa nước, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, Nam Định có nhiều nghề truyền thống phát triển từ lâu đời hình thành nên hàng trăm làng nghề trong nông thôn. Toàn tỉnh có hơn 52.000 hộ, 305 cơ sở sản xuất với 130.000 lao động ở 90 làng nghề. Giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2011 tăng bình quân 20-23%; nhiều làng có doanh thu từ ngành nghề khá lớn như: sơn mài Cát Đằng năm 2011 đạt 105 tỷ đồng, đúc đồng Tống Xá năm 2011 đạt 510 tỷ đồng, mộc mỹ nghệ La Xuyên năm 2011 đạt 105 tỷ đồng. Hàng hoá của làng nghề Nam Định có mặt ở khắp các tỉnh trong cả nước, một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài. Các sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng của Nam Định như gỗ chạm khảm, sơn mài, đúc đồng, mây tre đan, lụa tơ tằm, hoa cây cảnh…

    1.5. Về du lịch

    Nam Định có gần 5.000 ha rừng, trong đó có gần 3.000 ha rừng ngập mặn, là nơi có nhiều loài chim quý hiếm di trú­ theo mùa. Vườn quốc gia Xuân Thuỷ được chính phủ phê duyệt vào ngày 02/01/2003 với diện tích 7.100 ha vùng lõi và 8.000 ha vùng đệm. Đây là vùng đất được bao bọc bởi sông Hồng, cửa Ba Lạt và Biển Đông, là nơi tham gia công ước quốc tế Ramsar đầu tiên ở Đông Nam Á. Với bề dầy truyền thống Thiên Trường xưa, Nam Định ngày nay tự hào là đất trăm nghề, với 2.000 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 268 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, các quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc độc đáo. Từ đây đã hình thành nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc nhằm tôn vinh các nhân vật có công với nước, các vị thành hoàng làng là ông tổ đã khai sinh ra nghề truyền thống. Khu bảo tồn đất ngập nước Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, 2.000 di tích và 90 làng nghề ở Nam Định tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn khá phong phú, rất thích hợp để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, nhân văn.

    2.  Lợi thế

    2.1. Về giao thông vận tải

    Ở phía Nam châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội 90 km, phía Bắc giáp Thái Bình và Hà Nam, phía Tây và Tây Nam giáp Ninh Bình, phía Đông và Nam giáp biển. Tỉnh vừa có cảng biển, vừa có cảng nội địa ICD ngay trong thành phố, hệ thống đường bộ, đường thuỷ và đường sắt được đầu tư, nâng cấp khá hoàn thiện, việc vận chuyển hàng hoá giữa Nam Định với  các tỉnh trong nước và quốc tế rất thuận lợi.

    Đường bộ có quốc lộ 21A,  quốc lộ 10 nối với đường cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình đi Hà Nội, nối Nam Định với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Các tuyến đường liên tỉnh, nội tỉnh đều đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp có khả năng đáp ứng tốt cho việc vận chuyển hàng hóa và tham quan du lịch. Từ thành phố Nam Định đi tới điểm xa nhất trong tỉnh (vườn quốc gia Xuân Thuỷ) chỉ mất 1 giờ 15 phút, và tới Thủ đô Hà Nội chỉ mất 1giờ 40 phút bằng ô tô. Toàn tỉnh có 7.833 km đường bộ gồm: 111 km Quốc lộ, 306 km đường tỉnh, 143,7 km đường đô thị, 398,3 km đường huyện, 1.844 km đường xã và 5.030 km đường thôn xóm. 100% các xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã, thị trấn có đường liên thôn được cấp phối hoặc bê tông, trong đó 83% số xã, thị trấn đường thôn xóm được nhựa, bê tông hóa từ 75% trở lên.

    Tuyến đường sắt xuyên Việt đi qua địa phận Nam Định dài 42 km với 5 ga, trong đó ga Nam Định là một trong những điểm dừng của các chuyến tàu nhanh Bắc - Nam. Hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào vừa cung cấp nước dồi dào phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa tạo thành hệ thống đường thuỷ nội địa liên hoàn kết nối các địa phương trong tỉnh với cửa biển và các tỉnh, thành phố trong vùng.

    2.2. Về Điện lực, viễn thông, ngân hàng, nước sạch

    - Mạng lưới điện quốc gia đã phủ kín toàn bộ các thôn, xóm, các xã trong tỉnh: 100% số thôn xóm xã có điện, 100% số xã đã có trạm biến thế, 100% số hộ nông thôn dùng điện.

    - Mạng lưới b­ưu chính viễn thông ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của mọi khách hàng.

    - Toàn tỉnh có 43 nhà máy cung cấp nước sạch ở 50 xã, thị trấn; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn VN02 là 56%.

    - Trên địa bàn tỉnh Nam Định có 9 hệ thống ngân hàng thương mại bao gồm chi nhánh cấp tỉnh và huyện… Các quỹ tín dụng và công ty tài chính luôn đảm bảo hoạt động giao dịch, thanh toán trong nước và quốc tế thông suốt và cung cấp vốn vay một cách nhanh chóng và thuận lợi.

    2.3. Về giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực

    Tỉnh Nam Định có truyền thống hiếu học, 18 năm liền dẫn đầu toàn quốc về giáo dục - đào tạo. Toàn tỉnh có 4 trường Đại học 14 trường cao đẳng, THCN và dạy nghề, trong đó mỗi năm có từ 4.000-5.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật tốt nghiệp ra trường. Hệ thống các cơ sở dạy nghề rộng khắp toàn tỉnh, đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề, tăng cư­ờng phổ cập, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng tỷ lệ lao động được đào tạo của tỉnh lên 45-50% vào năm 2015. Do đó Nam Định có một nguồn lao động dồi dào, có trình độ nghiệp vụ, tay nghề khá; tác phong công nghiệp, năng động nhiệt tình, ham học hỏi và tinh thần trách nhiệm cao là những điểm mạnh của lực lượng lao động Nam Định. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân đặc biệt được coi trọng, 100% số xã có trạm y tế, 100% số xã có bác sỹ công tác tại trạm. 100% huyện, thành phố có bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa.

    2.4. Lĩnh vực kêu gọi đầu tư

    - Đầu tư xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

    - Đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung kết hợp chế biến nông, thuỷ sản.

    - Đầu tư phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi quy mô công nghiệp với công nghệ tiên tiến

    - Đầu tư phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề với du lịch.

    Một số dự án đang xúc tiến đầu tư thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản (có phụ lục chi tiết đính kèm).

    III. Các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Nam Định

    Cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định bao gồm:

    - Quyết định số 2168/2004/QĐ-UB ngày 31/8/2004 của UBND tỉnh về việc ban hành “Một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Nam Định”

    - Quyết định số 1593/2006/QĐ-UB ngày 11/7/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành “Cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển cụm công nghiệp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định”

    - Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành “Một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp tỉnh Nam Định”

    - Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 07/10/2011 của UBND tỉnh Nam Định về việc ban hành “Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nam Định”

    - Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 của UBND tỉnh Nam Định về việc ban hành “Quy định cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định”

    Thông tin chi tiết về các chính sách này, mời quý vị tìm hiểu, nghiên cứu tại trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nam Định theo địa chỉ: http://sonnptnt.namdinh.gov.vn

    Nhiệt liệt chào đón và cám ơn các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và đầu tư vào Nông nghiệp, nông thôn Nam Định!

Tin khác
Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang