image advertisement

image advertisement

image advertisement








image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cần lưu ý quản lý chặt chẽ sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda J.E. Smith) - loài dịch hại mới ở Việt Nam
Lượt xem: 7655

Theo thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp liên hợp quốc (FAO), một loài sâu hại ngô và các cây trồng khác mới bùng phát, di trú, xâm nhập và gây hại nặng ở nhiều quốc gia trên thế giới có tên tiếng anh là Fall Armyworm (viết tắt là FAW), tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E. Smith, tên tiếng Việt là sâu keo mùa thu, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), họ ngài đêm (Noctuidea). Loài sâu này có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, lần đầu tiên phát hiện ở Châu Phi vào tháng 01/2016. Từ năm 2016-2017 chúng đã nhanh chóng xâm nhập, lây lan khắp châu Phi và gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là trên ngô. Sau đó lan sang châu Á (từ tháng 5/2018 ở Ấn Độ); Đến nay đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Đây là loài sâu hại mới xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác nên cần phải có biện pháp quản lý kịp thời và hiệu quả. Hiện nay, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.

          1. Phân bố

          Loài sâu keo mùa thu đã được phát hiện gây hại tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ (Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ) và một số quốc gia tại châu Âu. Trong đó tại châu Á loài sâu hại này đã xuất hiện và gây hại tại Ấn Độ, Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Yemen, Trung Quốc và Việt Nam.

          2. Ký chủ

Đây là loài sâu hại đa thực, gây hại trên 300 loài thực vật, hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo (ngô, lúa, kê, đậu phộng và mía). Ngoài ra cũng đã được phát hiện gây hại trên các loại rau, cây bông.

          3. Đặc điểm hình thái

      a. Trứng

Trưởng thành đẻ trứng vào ban đêm. Đẻ thành ổ, xếp thành hai, ba lớp trứng. Vị trí ổ trứng thường ở mặt dưới của lá. Nếu mật độ trưởng thành cao, trứng có thể được đẻ ở mặt trên của lá và thân. Mỗi ổ trứng khoảng 100 - 200 quả. Một trưởng thành cái có sức đẻ từ 1.000 - 2.000 quả trứng. Thời gian trứng nở sau 2-10 ngày, thường là 2-4 ngày ở nhiệt độ 20-30°C.

                                               Hình 1. Trứng của sâu Spodoptera frugiperda

b. Sâu non

Sâu non có 6 tuổi. Pha sâu non kéo dài 14 - 21 ngày; Nếu độ ẩm cao, nhiệt độ thấp thì thời gian pha sâu non kéo dài khoảng 30 ngày. Khi sâu non mới nở nhanh chóng di chuyển đến những vị trí có lá non.

Hình 2. Sâu non của sâu Spodoptera frugiperda
              c. Nhộng

    Nhộng vũ hóa phần lớn trong đất ở độ sâu 2-8 cm. Một số ít trường hợp bắt gặp hóa nhộng giữa các lá, nách bẹ lá của cây ký chủ hoặc trong bắp ngô.Thời gian pha nhộng 7-13 ngày. Đất cát pha thích hợp cho sự phát triển của nhộng và tỷ lệ vũ hóa.

Hình 3. Nhộng của sâu Spodoptera frugiperda
d. Trưởng thành

Trưởng thành hoạt động về ban đêm. Từ khi vũ hóa đến đẻ trứng có thể bay nhiều kilômét để tìm nơi đẻ trứng. Có thể di chuyển xa hàng trăm kilômét  nhờ gió. Trưởng thành sống trung bình 12-14 ngày.

                                         Hình 4. Trưởng thành của sâu Spodoptera frugiperda

4. Sự gây hại

Vòng đời loài sâu này được hoàn thành trong khoảng 30 ngày vào mùa hè, 60 ngày vào mùa xuân, mùa thu và 80 - 90 ngày trong mùa đông. Lứa sâu phụ thuộc vào điều kiện môi trường. Loài này không có khả năng gây bệnh trên cây trồng.

Hình 5. Vòng đời của sâu Spodoptera frugiperda

Sâu non có khả năng gây hại trên lá, các bộ phận non của cây, sâu non mới nở có thể nhả tơ để nhờ gió phát tán đến các cây khác gần đó để gây hại. Sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá; Nếu mật độ, nguồn thức ăn khan hiếm chúng ăn cả các phần xanh, mềm của cây. Sâu non tuổi lớn có thể cắn chết sâu tuổi nhỏ. Mật độ từ 0,2 - 0,8 sâu non trên mỗi cây trong giai đoạn muộn có thể làm giảm năng suất từ ​​5 - 20%.

Hình 6. Gây hại trên Ngô của sâu Spodoptera frugiperda

5. Thiên địch

Theo CABI, thành phần thiên địch của sâu keo mùa thu sâu có 53 loài ong ký sinh trên toàn thế giới. Ở Mexico có 11 loài, ghi nhận tỷ lệ ký sinh 20%. Một số loài phổ biến: 5 loài thuộc họ braconids Rogas vaughani Muesebeck, R. laphygmae Viereck, Chelonus insularis Cresson, C. cautus Cresson, Glyptapanteles militaris Walsh; 2 loài thuộc họ Ichneumonids  Neotheronia sp; 1 loài thuộc họ Ophion flavidus Brulle; 1 loài thuộc họ eulophid Euplectrus plathypenae Howard. Ruồi ký sinh sâu non thuộc họ Tachinidae chiếm khoảng 6%. Ở Mỹ loài ong ký sinh Cotesia marginiventris (Cresson) Chelonus texanus (Cresson) (Hymenoptera: Braconidae) và loài ruồi ký sinh Archytas marmoratus (Townsend) (Diptera: Tachinidae) phổ biến trên sâu non. Nấm ký sinh: B. thuringiensis, Beaveria globulifera, Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana. Tuyến trùng tấn công tiền nhộng: Steinernema carpocapsae (Weiser) S. Riobravis./ Nguyễn Quốc Việt - Phụ trách phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và BVTV

Nam Định)

 Tài liệu tham khảo

Công văn số 351/BVTV-TV ngày 19/02/2019 của Cục Bảo vệ thực vật về việc điều tra và theo dõi sâu keo mùa thu.

- Công văn số 17/GĐKDTV/CV ngày 22/02/2019 của Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật - Cục Bảo vệ thực vật về việc Hướng dẫn thu thập mẫu định loại sâu keo mùa thu.

- Công văn số 937/BVTV-TV ngày 17/4/2019 của Cục Bảo vệ thực vật về kết quả giám định sâu keo mùa thu ở Việt Nam.

- Nguồn tài liệu và hình ảnh theo:

+ John L.Capinera (2017). http://entnemdept.ufl.edu/creatures/field/fall_armyworm.htm;

+ Website: https://www.cabi.org/isc/datasheet/29810.


















Tin khác
Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 07- Trần Nhật Duật – TP Nam Định
Điện thoại: 0228 3640067; Fax: 0228 3631435 . 
Email: sonnptnt@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đức Việt -  Phó giám đốc Sở 
GPXP Số 03/GP-TTĐT ngày 19/10/2022
Thiết kế : VNPT Nam ĐỊnh
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang